Ai cũng biết giám sát là “cánh tay nối dài” , là “tai”... “mắt” của BTC, và ở trong chừng mực nào đó, giám sát cũng sẽ làm cái phần việc mà nói theo cách nói thông thường ta hay nghe, là… “tùy cơ ứng biến” để thay mặt cho BTC giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất trong một trận đấu mà ông ta được phân công. Thế nhưng, đâu phải ai cũng làm được cái gọi là… “linh động” và “xử lý nhanh tình huống khó” ấy! Mà nếu không khéo thì ông sẽ bị đi “toi” ngay tức khắc. Thế mới có chuyện, tại sao BTC không chọn người này mà lại chọn người kia đi giám sát một trận đấu được xem là “căng” cả trong sân lẫn ở bên ngoài.

Ông Lê Hữu Tường (thứ 2 từ trái sang) cùng tổ trọng tài điều khiển trận HAGL - BD trong lễ chia tay các cầu thủ Thái Lan. Ảnh: Thùy Dung.
Trở lại trận đấu giữa HAGL – Bình Dương trên sân Pleiku ở vòng đấu 26 (vòng cuối) vừa rồi, do ông Lê Hữu Tường làm giám sát.
Mà trước khi trận đấu này diễn ra, chúng ta ai cũng biết rằng tính chất của trận cầu trên là hết sức quan trọng, quan trọng cho cả HAGL, Bình Dương và trận cầu được diễn ra cùng giờ ở sân Long An của cặp đấu GĐT.LA – Đà Nẵng, nhưng sâu xa hơn là công việc của BTC vào cuối mùa giải, đó là một bản báo cáo tổng kết “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: “Giải đã kết thúc thành công tốt đẹp”.
Và khi vòng đấu cuối này chuẩn bị khai cuộc, đâu đấy lại râm ran chuyện “buông” và “nhường” chức vô địch ở đội bóng A cho đối thủ của mình, càng làm cho BTC phải kỹ lưỡng hơn trong việc chọn lựa “cánh tay nối dài” để tránh những sự việc đáng tiếc không hay xảy ra vào cuối mùa giải. Và hơn ai hết, chính BTC là người hiểu rõ nhất về khả năng của “những cánh tay này”.
Chính vì thế, ông Tường đã được chọn để giám sát cho trận cầu trên. Và chính ông Tường chứ không ai khác là người hiểu rõ nhất về các “thiên ứng vạn hóa” của các HLV lão làng nhà ta. Bởi vì, ông cũng đã từng là một HLV (nguyên HLV Công an TPHCM, Hải Quan, Bưu điện) trước khi đi làm giám sát, nên cũng rõ phần nào về công việc tính toán, tiểu xảo... để kéo dài thời gian trận đấu nhằm đạt được những mục đích mà đội bóng và bản thân HLV đã đề ra.
Hẳn ta không quên trận đấu HAGL – BD vừa qua. Tại sao giờ nghỉ giải lao giữa trận, không là 15 phút bình thường như mọi trận đấu khác, mà chỉ là 5 phút và tại sao ông Lê Thụy Hải ra khỏi khu kỹ thuật của đội nhà để “xửng cồ” với trọng tài chính Võ Minh Trí? Hành vi của ông Hải làm như vậy là nhằm mục đích gì?
Và tại sao giám sát Lê Hữu Tường lại chỉ đạo trọng tài Võ Minh Trí cho hiệp 2 vào cuộc sớm hơn như dự định là để làm gì? Tất cả những vấn đề trên đã được ông Tường như “đi guốc trong bụng” , và ông không dễ dàng để “sập cái bẫy” mà người ta đã giăng sẵn để thực hiện cho mục đích của riêng họ. Cho nên, những việc ông Tường đã xử lý ở các tình huống trên, rõ ràng đã cứu cho BTC một bàn thua trông thấy.
Và khi chúng tôi đem những tình huống này ra thắc mắc với ông Tường, ông cho biết: “Quả thật, trong những tình huống ấy, nếu tôi không giục trọng tài Võ Minh Trí cho hiệp 2 vào cuộc càng nhanh càng tốt hoặc giải quyết ngay trường hợp của HLV Lê Thụy Hải nhằm để không mất nhiều thời gian cho trận đấu… Và khi trận đấu trên sân Long An kết thúc sớm với kết quả có lợi cho Bình Dương và HAGL, thì khi ấy không biết chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Vì vậy, khi đem vấn đề này ra phân tích, cái cốt yếu là để cho chúng ta hiểu xa hơn và sâu hơn về công việc mà đâu phải hễ ai muốn làm và được chọn đều cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi được giao phó. Mà trong thời điểm bóng đá nước nhà đang “chập choạng” một bức tranh đa màu sắc, thì lại càng khó hơn!
NGỌC UYÊN