Chuyển quốc phòng sang kinh tế

Nhật Bản và Philippines thắt chặt quan hệ quân sự
Chuyển quốc phòng sang kinh tế

Như vậy là Nhật Bản đã cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể trong nỗ lực nâng cao vị thế chủ động nhiệm vụ bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu. Với Nhật Bản, đây còn là bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế quốc phòng trong tổng thể kế hoạch phát triển nền kinh tế. Quyết định lịch sử này được quốc tế đón nhận theo nhiều cách khác nhau.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trấn an người dân trước nỗi lo Nhật Bản sẽ tiến tới lạm dụng vũ lực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trấn an người dân trước nỗi lo Nhật Bản sẽ tiến tới lạm dụng vũ lực.

Nhật Bản và Philippines thắt chặt quan hệ quân sự

Chính quyền Washington xem đây là tin tốt lành. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này đã rất quan tâm tới những thay đổi mới trong chính sách an ninh và quốc phòng của Tokyo. Nhật Bản là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo. Theo ông, chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, đồng thời nâng cao vị thế của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên trường quốc tế. Ông Chuck Hagel nói rằng, quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần không nhỏ vào sự ổn định và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương nếu được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng trong khu vực. 

Theo Kyodo News, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện đã có kế hoạch ký kết hiệp định hợp tác bảo đảm an ninh Nhật Bản-Philippines, tương tự như hiệp định quân sự Mỹ-Philippines gần đây. SDF có thể tiến vào căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines và căn cứ lân cận của quân Mỹ. Mỹ-Nhật-Philippines thậm chí có thể tổ chức diễn tập quân sự ở khu vực biển Đông.

Theo chính sách quốc phòng mới thì ngay cả khi Nhật Bản không là mục tiêu tấn công thì nước này cũng có quyền hỗ trợ đồng minh. Hàn Quốc và Trung Quốc thận trọng khi đưa ra quan điểm về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nếu chưa được yêu cầu chấp nhận, nước này sẽ không hoan nghênh và không đồng ý việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể, đồng thời hối thúc Tokyo đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực. Trung Quốc cho rằng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cần tránh các hành động mà Bắc Kinh cho là có thể đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cuộc đua kinh tế

Các chuyên gia quân sự thế giới nhận định quyết sách lớn của Nhật Bản lần này không chỉ vì mục đích quốc phòng mà còn vì mục đích kinh tế. Vị thế về an ninh quốc phòng càng cao, Nhật Bản sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu xuất khẩu quốc phòng. Để chuẩn bị cho bước đi này, Chính phủ Nhật Bản ngày 1-4 đã chính thức tuyên bố từ bỏ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự hay còn gọi là “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” (vốn có hiệu lực từ năm 1967).

Tháng 6 vừa qua, Nhật Bản bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất trực thăng hàng đầu thế giới về một hợp đồng ước tính trị giá 2 tỷ USD để sản xuất máy bay vận tải cho quân đội và xuất khẩu ra nước ngoài. Về mặt chính trị, mở cửa xuất khẩu quốc phòng cũng là cách đẩy quan hệ quốc phòng với các nước đối tác lên một mức độ cao hơn mà không cần sự tham gia trực tiếp của các binh sĩ.

Theo New York Times, trong cuốn The Japan that can say no (Nhật Bản có quyền nói không) của tác giả Akio Morita, nhà sáng lập tập đoàn Sony có viết: “Nhật Bản cần có một chính sách quân sự tự chủ và độc lập hơn để xứng với tầm vóc là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhật Bản không thể mãi mãi ở thế phụ thuộc Mỹ về quốc phòng”. Trong bối cảnh Nhật Bản vuột mất vị trí nền kinh tế lớn thứ hai về tay Trung Quốc thì theo giới quan sát, nước này cần tập trung vực dậy kinh tế từ nhiều hướng. Trong đó, kinh tế quốc phòng là một hướng đi cần đẩy mạnh khi nó chỉ khiêm tốn chiếm 1% GDP Nhật Bản.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục