Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nhật Bản: Biểu tượng cho tình hữu nghị bền chặt

Trước thềm chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 29-5 đến 2-6 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, báo chí Nhật Bản đã đồng loạt đưa tin nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, khẳng định mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản

Củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng 

Báo Japan Times ngày 28-5 đăng bài viết với tiêu đề “Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang - vị quốc khách của Nhật Bản”. Bài viết cho rằng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với vị thế quốc khách có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam (1973 - 2018), đồng thời một lần nữa khẳng định và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa hai quốc gia, sau chuyến thăm lịch sử của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam vào tháng 2-2017. Bài viết nêu rõ trải qua 45 năm phát triển, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản được củng cố, tăng cường. Nhật Bản và Việt Nam luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương... 

Trước đó, một loạt các đài truyền hình, báo và hãng tin lớn của Nhật Bản như NHK, Nikkei, Nikkei Asian Review, Asahi, Kyodo, JIJI… đã đăng tải bài phỏng vấn Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước thềm chuyến thăm Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm này; hướng đến mối quan hệ Việt - Nhật ngày càng phát triển lên một tầm cao mới về chính trị, an ninh, đầu tư và giao lưu văn hóa cũng như mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.

Hai nước chia sẻ rất nhiều lợi ích chiến lược song trùng trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đơn cử như quan điểm gần nhau trong vấn đề biển Đông. Việt Nam đánh giá cao lập trường nhất quán của Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Cả hai bên đều chủ trương tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Hướng đến CPTPP

Bên cạnh những vấn đề về an ninh, ngoại giao, vấn đề quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng được báo chí, truyền thông Nhật Bản nhấn mạnh, trong đó có vai trò phối hợp, nỗ lực của cả Việt Nam và Nhật Bản đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, một nền tảng mới cho quan hệ hai nước là Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tích cực và đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo dự kiến, hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019, mở ra triển vọng hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.

Nhân dịp này, ông Fumio Shimizu, Phó Cục trưởng Cục Các vấn đề châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cũng nhận định ngoài kinh tế là lĩnh vực gặt hái nhiều thành công nhất nhờ sự phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước, trong bối cảnh thế giới đang biến động phức tạp, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này khẳng định và gửi đến thế giới thông điệp về sự hợp tác, phát triển trong quan hệ hai nước, tăng cường phối hợp hướng tới một trật tự thế giới mở và tự do, tăng cường sự tin cậy song phương.      

Một nội dung được hầu hết các cơ quan báo chí Nhật Bản quan tâm là vấn đề biển Đông, khẳng định Nhật Bản và Việt Nam cùng chung quan điểm về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Đặc biệt trong bối cảnh biển Đông đã bị quân sự hóa, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định khu vực, Nhật Bản và Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục