Cuộc bầu cử Quốc hội Đức đã mang về một kết quả mỹ mãn cho Đảng Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU), một chiến thắng ngoạn mục với tỷ lệ 41,5%, cao nhất kể từ năm 1990, và họ chỉ thiếu có 5 ghế giành quyền đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ. Các nhà bình luận ủng hộ chính phủ cho rằng đó là chiến thắng của chính bà Thủ tướng Merkel, người đứng đầu CDU. Không phải thuế, công bằng hay đồng EUR đã quyết định chiến thắng này mà chính vai trò của Merkel khi bà đã tạo cho công chúng niềm tin vào khả năng ổn định tình hình đất nước của chính phủ.
Nhưng nếu đi vào nhà máy, công trường, người ta thấy có những ý kiến khác nhau. Chính sách không tăng thuế của các nhà tư bản, tiếp tục thắt lưng buộc bụng đang được xem là không công bằng. Ở nước Đức, người lao động chưa phải bị thất nghiệp tràn lan như ở Anh, Pháp hay các nước vỡ nợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhưng giới lao động cũng rất chật vật, người Đức cũng phải thắt lưng buộc bụng. Giới chủ thông báo vì kinh tế khó khăn, cắt giảm lương mà chưa cắt giảm việc làm là tốt lắm rồi. Còn thuế ư? Nếu tăng thuế thì họ cắt thêm lương nhân công để bù vào khoản thuế má.
Đảng Dân chủ xã hội (SPD) thất bại dù chương trình tranh cử của SPD nghe hấp dẫn hơn: chính phủ giới hạn mức lương tối thiểu thống nhất buộc các doanh nghiệp phải tuân theo để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tăng thuế nhà giàu để đảm bảo công bằng xã hội, và nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng vì người lao động là người chịu thiệt thòi nhất với chính sách này...
Nhưng người dân vẫn bỏ phiếu cho CDU, trong khi số cử tri ủng hộ SPD không mấy cải thiện. Phải chăng họ chọn sự bất công chứ không chọn công bằng? Lẩn quẩn rồi người Đức đã chọn cái có lợi trước mắt hơn là những lợi ích lâu dài.
Mọi khi chương trình tranh cử của CDU và SPD không mấy khác nhau, thậm chí rất tương đồng. Còn nhớ trong cuộc bầu cử 2005, cuộc bầu cử đã đưa bà Merkel lên đỉnh quyền lực, nhiều bạn bè ở Đức bảo: chính sách của 2 đảng này có gì khác nhau đâu, bỏ phiếu cho ai cũng thế thôi. Thậm chí, nhiều người sát ngày bầu cử còn chưa biết bỏ phiếu cho ai. Và cuối cùng người ta bỏ phiếu cho CDU vì có lẽ muốn có một người phụ nữ làm thủ tướng? Nhưng trong cuộc bầu cử lần này, sau những tháng năm khủng hoảng kinh tế, sự bất công xã hội hiển hiện rõ ràng thì chương trình tranh cử của họ có nhiều cách biệt, nếu không muốn nói là hoàn toàn đối lập: giữa một bên muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, một bên muốn đảm bảo công bằng xã hội hơn.
Có lẽ vì chính sách đối lập của 2 đảng này mà đa số người Đức được hỏi đều cho rằng họ muốn 2 đảng lớn liên minh với nhau thành lập chính phủ với hy vọng SPD sẽ làm mềm dịu các chính sách cứng rắn của Merkel, và cả các thành viên EU cũng mong thế. Trên thực tế, liên minh này là khả thi nhất bởi anh bạn liên minh truyền thống của CDU trong chính phủ vừa qua là đảng Tự do dân chủ (FDP) lần này thất bại, và đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 họ không có mặt trong nội các. Còn liên minh với đảng Xanh thì không ai nghĩ sẽ có một liên minh như thế.
Nhắc đến đảng Xanh mới nhớ có một chi tiết thú vị trong đời sống chính trị nước Đức. Hồi mới sang Berlin, đi đâu thấy các khung cửa sổ, ban công cũng đầy hoa. Rất đẹp! Hỏi ra mới biết, kể từ khi đảng Xanh trở thành liên minh trong chính phủ của SPD (1998-2005) họ đã đấu tranh để thành phố xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn. Năm 2011, sau sự cố Fukushima của Nhật, trong một cuộc thăm dò dư luận, đảng Xanh nhận được đến hơn 28% số phiếu ủng hộ, vì họ đã gây áp lực buộc chính phủ của bà Merkel lên lộ trình ngưng sử dụng điện hạt nhân trong thập niên tới. Lúc đó dư luận cho rằng họ có khả năng vượt qua cả SPD để trở thành đảng lớn thứ 2 trên chính trường. Nhưng trong cuộc bầu cử này họ chỉ còn hơn 8% phiếu bầu vì họ đã chủ trương tăng thuế nhà giàu. Thế mới biết khi đảng nào nói cái gì lớn lao hơn, xa xôi hơn thì được ủng hộ, nhưng nếu đụng chạm đến lợi ích của cá nhân thì đảng đó thất bại.
MINH HÙNG (từ Berlin)