1. Trong trận đấu Chelsea - Man.United tại Old Trafford vào giữa tháng 9 vừa rồi, ở phút 83, tiền đạo Torres lừa bóng qua cả thủ môn De Gea nhưng lại dứt điểm ra ngoài khi trước mặt là khung thành trống rỗng. Các bình luận viên của kênh Sky Sports ngay lập tức đã gọi đó là pha bỏ lỡ ngớ ngẩn nhất trong lịch sử Premier League.
Ngày hôm sau, trên hầu như tất cả các mặt báo thể thao, pha hỏng ăn này trở thành tin vedette với đủ các cách rút tít khác nhau: “Torres bỏ lỡ bàn thắng dễ nhất trong sự nghiệp”, “pha bỏ lỡ như bị ma ám của Torres”, “pha bỏ lỡ “không thể tin nổi” của Torres”, “pha bỏ lỡ tệ nhất của Torres”, “pha bỏ lỡ theo phong cách Torres”, “pha bỏ lỡ “thế kỷ” của Torres”, “Torres đã gây sốc cho giới hâm mộ”, “pha bỏ lỡ vô duyên của Torres”, “Torres và pha bỏ lỡ tệ hại bậc nhất lịch sử Premier League”, “pha bỏ lỡ không tưởng của Torres”, “pha bỏ lỡ “để đời” của Torres”, “pha bỏ lỡ kinh hoàng của Torres”... Thôi thì không thiếu bất cứ một từ ngữ nào trong kho tàng từ vựng của nhân loại được lôi ra và trút như mưa xuống đầu chàng tiền đạo xấu số này.
2. Thực ra trong tháng 9 đen tối đó, đã có rất nhiều pha hỏng ăn không thể tin nổi. Cũng trong trận đấu Chelsea - Man.United, Berbatov, danh thủ người Bulgaria cũng bỏ lỡ một pha ghi bàn cực kỳ ngon ăn, còn siêu sao Rooney sút hỏng một quả 11m theo cách vô duyên nhất là... trượt chân, giống hệt cú trượt ngã định mệnh của cầu thủ Terry năm nào trong trận chung kết Champions League cũng giữa hai đối thủ này.
Ở bên kia eo biển Manche, trong trận Valencia tiếp Barcelona trên sân Mestalla, Roberto Soldado - một trong những chân sút dẫn đầu giải vô địch Tây Ban Nha, cũng đá lên trời một quả bóng như dọn cỗ của đồng đội Jeremy Mathieu trong tình huống mà giới thể thao vẫn tin rằng đá ra ngoài còn khó hơn đá vô khung thành gấp vạn lần. Ngay cả Messi, cầu thủ xuất sắc nhất của nền bóng đá đương đại, cũng không thoát khỏi “nỗi ám ảnh tháng 9” khi anh liên tục kết thúc không thành công dù trước mặt chỉ có mỗi thủ môn Valencia.
Hàng loạt pha sút hỏng đáng sững sờ đã nối tiếp nhau xảy ra nhưng rốt cuộc chỉ có Torres là lãnh búa rìu của dư luận, chẳng qua vì cuối cùng thì Man.United thắng trận, Barcelona và Valencia hòa nhau, chỉ Chelsea của anh là thảm bại. Cuộc đời vốn vẫn vậy, khi một tập thể thất bại, người ta cố tìm cho bằng được một đôi vai để trút trách nhiệm. Torres trở thành vật tế thần còn bởi vì người ta chờ đợi ở anh quá nhiều, cả ở Chelsea lẫn ở đội tuyển Tây Ban Nha. Một cao thủ võ lâm từng phẩy tay một cái nhẹ hều đã đánh ngã một thân cổ thụ mười người ôm, bây giờ vung quyền cước loạn xạ vẫn không thổi bay một... con ruồi, thiên hạ không cười rớt cả răng mới lạ. Sự sa sút phong độ đáng kinh ngạc của Torres có lẽ là nguyên nhân chính khiến anh trở thành miếng mồi ngon của dư luận.
3. Bên cạnh những bài báo kể trên, hàng loạt tranh biếm họa đủ kiểu về Torres xuất hiện nhan nhản trên mặt báo với đủ loại chú thích “El Nino bị gãy mất đôi cánh thiên thần, “Torres, sát thủ khung thành hay chàng hề?”, “pha bỏ lỡ này cũng là cơn ác mộng của El Nino”, “Torres cũng như các bức vẽ trên tường: Vô hại”, “Torres là viên đạn “xịt””...
Trên internet, nhiều trang web chiếu đi chiếu lại pha hỏng ăn của Torres, kèm theo 10 pha bỏ lỡ tương tự của các cầu thủ khác như Jorge Molina (Real Betis), Goran Pandev (Napoli), Anton Shynder (Ukraine), Sergio Aguero (Man.City)... để người xem so sánh và bình luận. Thậm chí, pha sút ra ngoài khó tin của Torres lập tức được đưa vào game bóng đá FIFA 2011 như một chi tiết hấp dẫn. Cách di chuyển, hãm bóng, lừa bóng rồi... sút ra ngoài của anh được tái hiện một cách hoàn hảo.
4. Một cầu thủ chuyên nghiệp, sống bằng nghề đá bóng, chỉ lỡ sút trượt một cái đã trở thành sự kiện để đem ra bêu riếu, đùa cợt khắp nơi như vậy thật là đáng kinh hãi. Có lẽ phải có thần kinh bằng thép, Torres mới có thể vượt qua được cú sốc này. Nhưng dù cả thế giới có xúm vào chê trách anh, người ta cũng chỉ chế giễu anh về chuyên môn - như chúng ta đã đọc thấy.
Cầu thủ Việt Nam mà bỏ lỡ một pha ghi bàn ngon lành như Torres, các ký giả chẳng phải mất công rút tít dông dài chi cho mệt, thiên hạ cũng chẳng ai buồn vẽ tranh biếm họa hay sản xuất game. Mọi bài báo và mọi cái miệng chỉ nhẹ tênh một câu thôi: “Bán độ”.
Chỉ hai từ ngắn gọn mà có sức nặng gấp ngàn lần những gì Torres phải hứng chịu những ngày qua. Bóng đá Việt Nam khác bóng đá quốc tế là ở chỗ đó. “Vùng trũng” khác “vùng cao” cũng là ở chỗ đó!
Chu Đình Ngạn