Ứng dụng phương pháp thở NCPAP tại Việt Nam

Chuyện về các bác sĩ học một, dùng mười

Người đi học việc
Chuyện về các bác sĩ học một, dùng mười

Trước đây, bác sĩ (BS) rất ngán ngại khi phải cho bệnh nhân thở máy, bởi tỷ lệ tử vong rất cao, chưa kể hàng loạt tai biến kèm theo. Cũng chính vì không nỡ nhìn bệnh nhi vật vã… ra đi, từ một khóa tập huấn chuyên môn ở Đan Mạch, các BS Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM đã làm nên một kỳ tích lớn: “ứng dụng NCPAP thích hợp” và nhân rộng kỹ thuật đến các tỉnh thành phía Nam.

Người đi học việc

Chuyện về các bác sĩ học một, dùng mười ảnh 1

Bệnh nhân Trà Phúc Thịnh 7 tuổi (ngụ huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang) bị sốt xuất huyết nặng (độ 4), được BS Bạch Văn Cam cho thở NCPAP qua mũi. Ảnh: TR.NG.

“Nhiều năm trước, khi cần đến việc hỗ trợ hô hấp cho trẻ thì nhiều BS lại nghĩ ngay đến máy giúp thở. Tuy nhiên, 1 bệnh nhi còn đang tự thở thì không thể đặt máy giúp thở được. BS phải đợi cho đến khi bệnh nhân ngưng thở rồi mới phẫu thuật mở khí quản và đặt máy giúp thở.

Thời gian chờ đợi này có khi kéo dài từ 1 đến 6 giờ, hệ quả kèm theo là nhiều cơ quan như não, tế bào thiếu oxy và chết dần. Chưa kể, nguy cơ nhiễm trùng, tai biến cao và tỷ lệ tử vong đối với 1 ca thở máy dường như đã chắc chắn” - BS Bạch Văn Cam, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1 giải thích về chuyên môn như vậy.

Và câu chuyện về phương pháp thở mới, theo lời kể của BS Cam, năm 1991, xuất phát từ một chương trình hợp tác nghiên cứu làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do viêm phổi, ông và một đồng nghiệp khăn gói lên đường sang Đan Mạch 3 tháng để tiếp nhận kỹ thuật “thở áp lực dương liên tục qua mũi-NCPAP” hay thường gọi “thở CPAP”. Đây là lĩnh vực mới, ở Việt Nam hoàn toàn chưa có nơi nào được trang bị và ứng dụng.

Phương pháp này hỗ trợ hô hấp ở bệnh nhân suy hô hấp còn tự thở, giúp các phế nang không xẹp cuối thời kỳ thở ra, làm tăng trao đổi khí, giúp giảm công gắng sức thở của trẻ. Không phụ lòng những đồng nghiệp ở Đan Mạch, dù chương trình học được chỉ áp dụng cho trẻ sơ sinh suy hô hấp do viêm phổi, nhưng BS Cam và nhiều y BS tại BV Nhi đồng 1 đã áp dụng hiệu quả kỹ thuật cho bệnh nhi từ sơ sinh đến trẻ lớn thở CPAP.

Đối với trẻ sơ sinh thì mức tạo áp lực nước từ 3-4cm, các BS tự nghiên cứu (không có tài liệu hướng dẫn) từ thực tế và điều chỉnh lưu lượng tăng lên cao hơn, tùy bệnh lý-độ tuổi-tình trạng bệnh. Không dừng lại ở đó, xuất phát từ tình hình trẻ đến BV Nhi đồng 1 mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp-viêm tiểu phế quản chiếm đến 60%, trong đó, nhiều trẻ bị suy hô hấp, nếu chỉ định kỹ thuật thở oxy thông thường thì không đáp ứng, nhưng đợi cho trẻ ngưng thở để thở máy thì càng không thể. Các BS quyết định nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng các tính năng từ kỹ thuật thở CPAP để cải thiện vấn đề hô hấp cho bệnh nhân. Một lần nữa, các BS của BV Nhi đồng 1 đã thành công!

Bộ Y tế ứng dụng, thế giới biết đến

Các đồng nghiệp ở Đan Mạch phải thán phục khi một kỹ thuật thở CPAP mới được VN ứng dụng hiệu quả (giúp tăng sự trao đổi khí) đối với hàng trăm trường hợp trẻ bị mắc bệnh sốt xuất huyết giai đoạn nặng: suy hô hấp, sốc kéo dài, phù phổi, tràn dịch màn phổi. Thông qua các tạp chí chuyên ngành có uy tín trên thế giới, không ít đồng nghiệp tại nhiều nước bắt đầu chú ý đến kỹ thuật ứng dụng mới này.

Điều bất ngờ hơn, nhiều trường hợp bệnh nhi bị suy hô hấp do ngạt nước (CPAP giúp giãn phế quản nhỏ, đàm nhớt được tống xuất dễ dàng, tránh xẹp phổi), viêm phổi do siêu vi-kể cả do cúm A H5N1, cai máy thở-sau thở máy ổn định, cơn ngừng thở do sinh non tháng, hậu phẫu ngực... đều được các BS BV Nhi đồng 1 nghiên cứu, đưa ra chỉ định vận dụng kỹ thuật thở CPAP thành công. Trong đó, kỹ thuật thở CPAP đối với bệnh lý sốt xuất huyết và viêm phổi do siêu vi-cúm A H5N1 được Bộ Y tế đánh giá cao và đưa vào phát đồ để các cơ sở y tế trên cả nước áp dụng.

Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, BS Tăng Chí Thượng cho biết, mỗi BV chỉ có vài cái máy giúp thở. Điều quan trọng hơn, rất ít BS có đủ chuyên môn để quyết định đặt máy thở và theo dõi-điều chỉnh các chỉ số sức khỏe bệnh nhân. Hơn nữa, một cái máy giúp thở có giá từ 20.000-30.000 USD, đắt gấp… 10 lần một hệ thống thở CPAP. Tuy máy giúp thở có tính năng dùng cho bệnh nhân ngưng thở, hôn mê hoặc thở CPAP thất bại do bệnh lý nặng, nhưng CPAP vẫn là phương pháp không xâm lấn, ít nguy cơ nhiễm trùng, dễ thao tác, rẻ tiền, hiệu quả cao, dễ bảo trì.

Hiện nay, BV Nhi đồng 1 TPHCM có trên 90 hệ thống thở CPAP, mỗi ngày có trên 60 lượt bệnh nhi được sử dụng. Chính vì thế, ngay sau khi BV Nhi đồng 1 ứng dụng thành công thêm kỹ thuật thở CPAP đã nhanh chóng chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM và hàng loạt các tỉnh thành phía Nam như: Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước. Đến nay, nhiều BV ở tỉnh đã được trang bị hệ thống thở CPAP và gởi người đến BV Nhi đồng 1 TPHCM để tập huấn.

Do đã hiểu rõ cấu tạo, tính năng, trước thực tế ứng dụng cần thiết cho người bệnh tại tuyến tỉnh, thêm một lần nữa các BS BV Nhi đồng 1 đã có sáng kiến và hỗ trợ đồng nghiệp tuyến tỉnh… chế tạo hệ thống CPAP. Theo kinh nghiệm từ đây truyền lại, một số khoa nhi tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đã tận dụng máy khí nén và các dây dẫn của máy thở, sử dụng 1 cặp lưu lượng kế thở oxy, trang bị thêm bình làm ấm-ẩm và 1 cái van là có một hệ thống thở CPAP đạt yêu cầu.

Ngọc Trước

Tin cùng chuyên mục