Bài tham dự Cuộc thi phóng sự - ký sự “Người tốt - Việc tốt” năm 2020-2021:

Chuyện về người anh hùng Đoàn tàu không số

Sau 3 tháng cách ly phòng chống dịch Covid-19, khi dịch vừa tạm lắng, ông Sáu Đức (Nguyễn Văn Đức, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thủy thủ Đoàn tàu không số năm xưa) đã vội vã lên đường đến với đồng bào nghèo, bởi giúp đỡ bà con nghèo bớt khổ ngày nào hay ngày đó.  

Cánh chim không mỏi

Trong những ngày đầu tháng 6, ông Sáu Đức đã nhiều lần ngược xuôi từ TPHCM đi Bến Tre để làm những việc thiện: trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa (trị giá 60 triệu đồng/căn) cho 2 gia đình cựu chiến binh (CCB) nghèo ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Tiếp đó, làm lễ khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường giao thông nông thôn dài hơn 3km, trị giá 1 tỷ đồng tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng một trường mẫu giáo và một trường tiểu học (kinh phí mỗi trường 4,5 tỷ đồng) ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú để học sinh có nơi học tập đàng hoàng. Thấy người dân, các cháu nhỏ ổn định chỗ ở và nơi học tập, ông vui còn hơn chính họ.

Ông tâm sự: “Cả đời tôi đi làm cách mạng chỉ mong dân mình được ấm no, hạnh phúc, trẻ em được học hành tiến bộ như lời Bác Hồ dạy…”. 

“Nguồn kinh phí nào để ông xây dựng nhiều công trình như thế ạ?” (tôi hỏi). Ông vui vẻ cho biết: “Nhờ được Tập đoàn Tuần Châu ủng hộ 10 tỷ đồng nên mới hoàn thành các công trình mang nặng nghĩa tình đó”. Ông  rất vui khi kể về những chuyến đi từ thiện giúp các gia đình chính sách và dân nghèo. Dường như ngọn lửa nhiệt tình vì dân, vì nước trong trái tim ông không bao giờ tắt.

Suốt hơn 20 năm qua, ông như “cánh chim không mỏi” trong các phong trào: Đền ơn đáp nghĩa, Về nguồn, Nghĩa tình đồng đội, Xóa đói giảm nghèo, Khuyến học và nhiều hoạt động từ thiện khác… Hàng năm, ông vận động được khoảng 5 tỷ đồng để giúp đỡ các gia đình chính sách và dân nghèo ở tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành có bến tàu tập kết vũ khí năm xưa. 

Là Trưởng ban Liên lạc Đoàn tàu không số tại TPHCM, từ nhiều năm qua, ông Sáu Đức cùng các CCB vận động được hàng chục tỷ đồng để xây dựng hơn 100 căn nhà tình nghĩa, tình thương; xây 38 cây cầu bê tông ở các vùng nông thôn; tặng 450 xe đạp và sách bút cho học sinh nghèo; tổ chức 12 đoàn y, bác sĩ đến nhiều tỉnh, thành để khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người thân của các CCB Đoàn tàu không số…

Chuyện về người anh hùng Đoàn tàu không số ảnh 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức trò chuyện với các bạn trẻ trong chương trình giao lưu Nghĩa tình đồng đội tại TPHCM

Với vai trò là Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, ông luôn đi đầu vận động các tập thể, cá nhân đóng góp 3-4 tỷ đồng/năm, góp phần xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bến Tre. Mỗi lần về quê hương Bến Tre, nghe tiếng trẻ con reo vui “Ông Sáu Đức đã về…”, được nhiều người ùa ra đón, ông thấy mình như trẻ khỏe lại để tiếp tục hành trình giúp dân.

 Xứng danh bộ đội Cụ Hồ

Ông Nguyễn Văn Đức sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Là con thứ 6 trong gia đình, ông được mọi người thân mật gọi là Sáu Đức. Cha của ông Sáu Đức là Nguyễn Thanh Tân, Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre những năm 1947-1959. Mới 13 tuổi, ông đã theo cha đi làm giao liên, 17 tuổi được bầu làm Bí thư Xã đoàn xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Khi phong trào Đồng Khởi nổ ra, ông Sáu Đức cùng cha mẹ, anh em tham gia hoạt động cách mạng. Sau thắng lợi vang dội của phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, năm 1959, địch mở các cuộc càn quét ráo riết để trả thù, chúng bắt được đồng chí Bí thư Huyện ủy và mang đi thủ tiêu. 

Năm 1961, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Sáu Đức gia nhập đội du kích huyện Thạnh Phú và được chọn vào đội thuyền của tỉnh Bến Tre để thực hiện chuyến vượt biển đầu tiên ra Bắc gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ để xin vũ khí cho Bến Tre đánh Mỹ. Trước khi vượt biển, ông Sáu Đức được vinh dự kết nạp Đảng. Đứng trước cờ Đảng và ảnh Bác Hồ, ông thề suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân…

Ông Sáu Đức nhớ lại, hôm tiễn đội thuyền vượt biển, đồng chí Ba Định (tức Nguyễn Thị Định, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) căn dặn: Các đồng chí ra Bắc lần này là để báo cáo tình hình miền Nam với Đảng, với Bác Hồ và xin vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên các đồng chí cố gắng hoàn thành… 

Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, ông Sáu Đức cùng đồng đội giả làm ngư dân vượt biển trên chiếc thuyền gỗ đơn sơ. Sau 7 ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với kẻ thù và sóng to gió lớn, cuối cùng con thuyền chở các chiến sĩ đã vượt qua vĩ tuyến 17 ra đến đất Bắc. Các chiến sĩ được đón về thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ và Tổng Bí thư Lê Duẩn. Suốt đời ông Sáu Đức không quên lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông xúc động: “Bác Hồ đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Điều đó đã giúp tôi và đồng đội vượt qua bao nguy hiểm và cả cái chết rình rập để hoàn thành nhiệm vụ”.

Sau chuyến vượt biển đầu tiên thành công, ông Sáu Đức cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiều chuyến vượt biển khác, trong đó có 23 chuyến bí mật vượt biển chở hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Có những lần, trước khi vượt biển, đơn vị phải làm lễ truy điệu sống các cảm tử quân của Đoàn tàu không số. 

“Trong 23 chuyến vượt biển đầy nguy hiểm ấy, ông nhớ nhất kỷ niệm nào?” - chúng tôi hỏi. Ông Sáu Đức bồi hồi kể: Đó là chuyến đang lênh đênh trên biển thì nghe tin dữ địch đã dội bom Napan giết chết 21 người dân đang núp chung một căn hầm, trong đó có 7 người của gia đình tôi, gồm mẹ và các em, các cháu. Nghe tin ấy, tôi chết lặng nhưng phải chờ thuyền cập bến thành công mới chạy vội về òa khóc bên ngôi mộ mẹ và các em. Nỗi đau này theo tôi suốt cuộc đời. 

Cuối năm 2019, Huyện ủy, UBND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành khu mộ tập thể khang trang dành cho 21 nạn nhân bom Napan năm ấy. Ông Sáu Đức chỉ tiếc là chưa tìm thấy hài cốt của cha và em trai đã hy sinh ngoài chiến trường. Để ghi nhớ công ơn người Bí thư Huyện ủy đầu tiên, hiện nay có một ngôi trường Đảng và một con đường ở thị trấn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre được mang tên Nguyễn Thanh Tân. 

Không thể kể hết nỗi gian nan của những chuyến vượt biển chở vũ khí, bởi mỗi chuyến đi là một câu chuyện dài đầy máu và nước mắt. Ông Sáu Đức tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 11-4-1975, ông cùng đồng đội xuất phát từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ra tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau 16 ngày chiến đấu, đến 9 giờ ngày 29-4-1975, quân ta giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, lúc này ông Sáu Đức là Tham mưu phó Lữ đoàn 125 Hải quân. Ông tiếp tục chỉ huy nhiều chuyến tàu chở quân tình nguyện Việt Nam sang chiến trường Campuchia chiến đấu, góp phần giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. 

Đến năm 1996, vừa rời quân ngũ về nghỉ hưu, ông liền tham gia công tác tại địa phương và nổi tiếng là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với hàng loạt chức danh như: Chủ tịch Hội CCB quận 5, TPHCM; Ủy viên Ban chấp hành Hội CCB TPHCM; Bí thư Chi bộ khu phố và Hội CCB phường nhiều năm liền…

Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc; Trưởng ban Liên lạc CCB Đoàn tàu không số tại TPHCM… Là chiến sĩ có mặt ngay từ ngày đầu khi thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông được xem như một nhân chứng lịch sử của Lữ đoàn 125 nói riêng và Quân chủng Hải quân nói chung. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2015, ông Nguyễn Văn Đức vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tin cùng chuyên mục