
1. Một tháng trước khi đặt chân đến thành phố Venice, tôi đọc thấy trên báo chí những bài viết về thành phố này với những cái tít nghe như những hồi còi báo động: “Thành Venice sẽ hoang vắng”, “Thành Venice sẽ vườn không nhà trống”, “Đám tang khác thường cho thành phố nổi Venise” (có đăng kèm cả hình ảnh về một đám tang tượng trưng do chính người Ý tiến hành trên các kênh đào Venice), nội dung đại khái nói về sự sụt giảm dân số ở Venice. Cụ thể: dân số Venice đã giảm từ 108.300 người vào năm 1971 xuống 74.000 năm 1993.
Theo bảng điện tử đặt tại trung tâm thành phố, dân số của Venice hiện đã xuống mức dưới 60.000 người. Người ta lo ngại rằng Venice chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành “một thành phố ma” và chỉ có khách du lịch lai vãng mà thôi. Tại sao sụt giảm? Câu trả lời là do chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, không loại trừ sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra.
Dĩ nhiên tôi không thể nào biết được sự thực, ngoài con số trên bảng điện tử, khi lang thang trên các đường phố Venice, vì trong số những nam phụ lão ấu đi ngang trước mặt, tôi không thể biết được đâu là người Ý đâu là du khách đến từ các quốc gia khác, và ngay cả khi biết chắc họ là người Ý đi nữa qua vẻ thanh nhã đặc trưng (người Ý thích ăn mặc đẹp, rất chú ý đến vẻ bề ngoài) thì tôi cũng không thể biết đâu là người địa phương đâu là khách nhàn du đến từ các tỉnh thành khác. Chỉ thấy Venice vẫn tấp nập khách bộ hành, có thể ít hơn bình thường vì trời đang vào mùa đông.
2. “Khách bộ hành” có lẽ là từ hoàn toàn thích hợp để nói về Venice vì đây là thành phố không có ôtô. Tất nhiên tôi cũng có nhìn thấy các phương tiện giao thông công cộng như taxi hoặc bus, nhưng không thuộc chủng loại chạy trên bộ như những nơi khác. Bập bềnh trên các kênh đào là những tàu bus, những canô taxi. Chữ taxi trên canô và ở các bến đỗ cũng kẻ chữ đen trên nền vàng, y hệt taxi trên bộ.

Taxi ở Venice
Phương tiện đi lại của dân Venice giống như dân miệt Năm Căn, canô dĩ nhiên hiện đại hơn xuồng ba lá, nhưng cơ bản vẫn dùng thủy lộ để tới lui. Nhìn canô taxi lượn qua lượn lại trước mặt, bỗng dưng tôi nhớ tới những ngày Sài Gòn ngập nước, bỗng phì cười khi hình dung mình đang lái chiếc taxi này chở khách (chắc hốt bộn bạc chứ chẳng chơi!).
Người ta đã nói và viết quá nhiều về Venice, vì một “thiên đường trên mặt nước” với 118 hòn đảo chia cắt bởi 150 kênh đào và nối nhau bằng 400 cây cầu quả là rất đáng viết. Trong 400 cây cầu đó, cây cầu nổi tiếng nhất hẳn phải là cây cầu có tên là cầu Than Thở (Bridge of Sighs). Cây cầu này xây năm 1605, vắt ngang qua con kênh Rio di Palazzo, một đầu là Dinh Tổng trấn đầu kia là nhà tù.
Hồi xưa, phạm nhân sau khi bị xét xử và tuyên án bên Dinh Tổng trấn được giải qua chiếc cầu này để vào nhà tù, cho nên cây cầu ngắn ngủn này là sợi chỉ mỏng manh nối giữa hai thế giới. Khi đứng ngắm cây cầu định mệnh này, tôi bỗng rùng mình, không biết vì gió đầu đông mang theo hơi nước luồn vào cổ áo hay vì tôi đang liên tưởng đến cây cầu Nại Hà nối liền cõi sống và cõi chết trong Phật điển phương Đông.
3. Ngoài những tượng đài hùng vĩ được xây nên bởi người Roma cổ đại, nước Ý - được coi là chiếc nôi của phong trào Phục hưng - có vô số những công trình kiến trúc và điêu khắc (chưa kể hội họa) tuyệt vời, cho nên đi trên đất Ý thiệt là mỏi cẳng vì những điểm cần để mắt nhan nhản khắp nơi trên đường phố. Nước Ý nhiều báu vật nghệ thuật đến mức người dân chẳng buồn để ý còn ngân sách Nhà nước thì chẳng đủ sức bảo quản (vì có quá nhiều tác phẩm nghệ thuật cần phục che á- chỉ tính sơ sơ nước Ý có khoảng 30.000 nhà thờ Thiên Chúa giáo, 20.000 lâu đài và 3.000 địa danh lịch sử).
Nghe mà thèm! Hiện nay Chính phủ Ý phải quyên tiền trong nhân dân để tu bổ và phục chế (chắc theo kiểu “xã hội hóa” của Việt Nam!) chứ một mình Bộ Di sản Văn hóa gánh không xuể. Nhân nói về lâu đài, lại nhớ tới Paris. Paris cũng nổi tiếng về lâu đài, lừng danh nhất là cung điện Versailles. Bảo tàng Louvre trên thực tế chính là cung điện hoàng gia dưới thời Charles V ở cuối thế kỷ 14.
Nhưng điểm đáng nói là rất nhiều tòa nhà chung cư ở Paris có kiến trúc hệt như lâu đài, đẹp mê hồn. Lần đầu đến Paris, tôi bị choáng vì nhìn đâu cũng thấy những tòa lâu đài đồ sộ nằm san sát nhau, sau này mới biết người Pháp khoái “mốt” lâu đài. Quận 13 ở Paris hổng theo “mốt” này, chung cư xây kiểu hiện đại, có nhiều nhà chọc trời hình khối nên dân Paris thứ thiệt không thích, chê là “nhà quê”. Đó cũng là một lý do khiến quận 13 hiện nay trở thành khu vực tập trung của dân châu Á.
Quay trở lại nước Ý, anh chàng Pietro Franchi đi chung với tôi, cứ vài ba bước, lại kéo tôi vào một... ngôi nhà thờ làm tôi mệt hết muốn thở. “Ê, chỗ này hay lắm nè. Thấy chưa, kiến trúc Roman”, “Cái này là kiến trúc Baroque nè”, “Cái này là Gothic”, “Cái này là kiến trúc Ả rập”, “Cái này là kiến trúc... tùm lum”. Vì lịch sử nước Ý kéo dài qua nhiều thời đại, thời đại nào cũng “hoành tráng”, nên ngay trên phố thôi đã thấy rất nhiều kiến trúc cổ đại, Phục hưng, hậu Phục hưng và hiện đại xen kẽ nhau.
Tới San Marco, quảng trường nổi tiếng nhất Venice, tá hỏa thấy cái mái vòm tròn với những chóp nhọn của nhà thờ San Marco sao giống mái vòm của đền Taj Mahal bên Ấn Độ quá chừng. Hỏi ra mới biết ở đây pha trộn nhiều kiểu kiến trúc khác nhau: nhà thờ San Marco xây dựng từ thế kỷ 9 và trùng tu, mở rộng qua nhiều thế kỷ sau nên phảng phất nhiều phong cách, ngay cả nguyên liệu tạo nên những bức tranh khảm trên trần nhà (đây là bức tranh khảm lớn nhất châu Âu với diện tích trên 4000 m²) cũng không thuần Ý mà được chở đến từ tứ xứ.
4. Điều đặc biệt ở Venice là chỗ nào cũng thấy bán mặt nạ. Đủ kiểu mặt nạ bày trong tủ kính ở các cửa hiệu dọc đường, bày ở các xe đẩy ngoài quảng trường, ở các kiốt bán đồ lưu niệm. Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu biết Venice là thành phố nổi tiếng về Lễ hội hóa trang. Lễ hội hóa trang có mặt ở Ý từ nhiều thế kỷ nay (chính Romeo và Juliet cũng quen nhau tại một lễ hội hóa trang ở Verona).
Hồi xưa, Hội hóa trang ở Venice kéo dài suốt 6 tháng trời, sau khi được khôi phục vào thập niên 70 thế kỷ trước, nó được rút xuống còn... 10 ngày trước Thứ tư Lễ tro, ngày mở đầu mùa Chay. Ở Venice, đến mùa lễ hội này, nam phụ lão ấu đeo mặt nạ và kéo ra đầy quảng trường San Marco.
Nhưng mặt nạ là “đặc sản” của Venice. Còn ở nước Ý, vật lưu niệm mà đi bất cứ thành phố nào cũng thấy bày bán, đó là búp bê và bút chì có hình dáng chú bé Buratino mũi dài. Là nhà văn viết cho thiếu nhi, hiển nhiên tôi hết sức tự hào về điều này, cũng như khi ở Pháp tôi từng tự hào về chàng hoàng tử bé vậy.
5. Đang đi lơn tơn, tôi chợt nhìn thấy một tấm biển đồng gắn trên tường một ngôi nhà góc phố, kế chiếc cầu Fuseri. Lại gần tò mò coi, thấy tấm bảng ghi “Goethe từng ở đây từ 28/9 - 14/10 năm 1786”, mới nhớ nướcÝ có truyền thống quý trọng các tài năng nghệ thuật. Văn hào Wolfgang von Goethe là người Đức, đâu phải người Ý, ghé Venice chơi chưa tới nửa tháng, vậy mà bây giờ họ trân trọng gắn biển đồng để đời sau biết đến.
Tôi chưa đi nhiều nơi trên đất Ý, nhưng thấy chi tiết này, vẫn đoán được người Ý chắc gắn biển kỷ niệm khắp nơi. Vì chỉ tính riêng các nhà văn nhà thơ không thôi, những người đã lũ lượt kéo qua Ý để tìm cảm hứng sáng tác không chỉ có Goethe. Có thể liệt kê một dãy dài: Charles Dickens, Henry James, Mark Twain, Herman Melville, E. M. Foster, D.H. Laurence, John Keat, Percy Shelley, Lord Byron, John Miton...
Đi một đỗi nữa, tôi sướng rơn thấy một nhà hát đang quảng cáo chương trình hòa nhạc Vivaldi. Sướng rơn không phải vì mình có thì giờ vào xem mà vì lúc ở Việt Nam mỗi khi mất ngủ tôi hoặc là giở cuốn Khu vườn bí mật của Frances Hodgson Burnett ra đọc hoặc là mở bản giao hưởng Bốn mùa của Vivaldi ra nghe để dỗ giấc. Nên lần này “gặp” Antonio Vivaldi ở Ý tôi mừng giống như gặp người quen, thậm chí là người tôi mang ơn. Ông là người Venice, hơn thế nữa là con trai của nghệ sĩ vĩ cầm của chính nhà thờ San Marco cách đó vài bước chân.
6. Nãy giờ kể chuyện “vĩ mô”. Bây giờ nói chuyện “vi mô”. Chuyện thiết thực, giống như “cẩm nang dành cho du khách” vậy: Đi dạo phố ở Venice (và ở cả châu Âu nữa), khi “bụng dạ khó chịu” phải làm sao? Ở châu Âu, thùng rác thì nhiều nhưng nhà vệ sinh thì hơi ít (ở Ý mỗi lần ra vô chỗ này phải trả 1,3 euro). Cách hay nhất là chui vô quán cà phê hoặc quán rượu. Tìm được chỗ bán thức ăn nhanh (như cửa hàng Mac Donald) thì tuyệt nhất, vì chỗ này thực khách chen chúc đông nghịt, ra vô chẳng ai để ý.
Nhưng khi mình gặp chuyện bí bách mà không có cửa hàng thức ăn nhanh nào gần đó thì đành phải chui vào cửa hàng bán... thức ăn chậm tức là quán cà phê hoặc quán rượu (những nơi này có bán cả thức ăn). Vô quán kêu ổ bánh mì thịt và lon bia, rồi đi ra phía sau, lúc trở lên người vô cùng nhẹ nhàng thoải mái. Nhưng tốt nhất là nên ăn bánh mì với... cà phê.
Uống bia như tôi, đi một quãng lại phải lật đật chui vào một quán khác. Đi một vòng Venice, chui vào cả chục quán, tốn tiền gần bằng chiếc vé máy bay giá rẻ bay từ Ý sang Pháp chứ chẳng chơi. Một điểm nữa: Vào các quán rượu ở Ý, tốt nhất đứng ăn ngay tại quầy. Lại bàn đặt mông xuống một cái, tiếp viên chỉ đem ra cái đĩa cho mình đặt ổ bánh, tiền phục vụ đã tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Không biết có phải vì những chi tiết râu ria này mà cư dân Venice kêu rêu “cuộc sống đắt đỏ” và đòi bỏ đi nơi khác hay không?
Ghi chép của Nguyễn Nhật Ánh