Trong bối cảnh khủng hoảng kịch bản tốt dành cho phim truyền hình thì việc ra mắt phim truyền hình dài tập “Trò đời” (chuyển thể từ chùm tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng) khởi đầu hàng loạt dự án đưa tác phẩm văn học thời 1930 - 1945 lên phim, được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng mới đối với khán giả Việt.
Một trong những người khởi xướng việc chuyển thể kịch bản tác phẩm văn học những năm 1930 - 1945 là NSƯT Nguyễn Hữu Phần, Phó giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông Phần cho biết ý tưởng này đã hình thành bởi chính sự thất vọng về văn hóa đọc của một bộ phận lớp trẻ hiện nay. Ông tâm sự: “Nhiều sinh viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thường ngây mặt ra khi nhắc tới nhân vật nào trong sách. Với tư cách một thầy giáo đứng trên bục giảng, lúc đó tôi có cảm giác mình như một người lính ra trận bị tước hết vũ khí”. Vì thế mong muốn được chuyển tải sinh động những tác phẩm văn học nổi tiếng của những năm 1930 - 1945 của các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố… đã dần trở thành hiện thực. Trò đời là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên mở màn cho xu hướng mới đó.
Bộ phim lấy xương sống câu chuyện phim từ tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, cùng với các truyện ngắn, phóng sự khác của ông như Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô… Kịch bản của bộ phim do 2 nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể với nhiều nút thắt, có nhiều xung đột để hấp dẫn khán giả. Trò đời tái hiện một bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945. Qua đó, miêu tả thân phận những người nông dân bị bần cùng hóa và những tiểu xảo bần cùng hóa người dân.
Trả lời câu hỏi về hình dung nhân vật Xuân Tóc Đỏ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, đó là anh chàng láu cá, nhiều mưu mẹo. Chị nhận xét, diễn viên trẻ Việt Bắc, người được giao đảm nhận vai nặng ký Xuân Tóc Đỏ có vẻ ngoài hiền lành hơn so với hình dung về nhân vật. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ nhiều ứng cử viên chị hài lòng với diễn viên Việt Bắc.
Một điểm khác so với các phiên bản trên màn ảnh nhỏ của Số đỏ trước kia, Trò đời sẽ nói không với cảnh nóng vì phim chiếu trên VTV1 vào giờ vàng. Đạo diễn Nhuệ Giang tâm sự, mặc dù kịch bản Trò đời tràn ngập không khí nhục dục song vì phim chiếu trên truyền hình không thể phân loại khán giả nên đạo diễn đã tiết chế khá nhiều đoạn. Song để chuyển tải được không khí của xã hội thời của Vũ Trọng Phụng miêu tả, khán giả vẫn hình dung được những cảnh nóng ẩn sau những khuôn hình, một cách gián tiếp.
Chia sẻ về những lo ngại cảnh nóng, NSƯT Minh Hằng - người được mời vì quá hợp vai Phó Đoan - tâm sự, chị suýt từ chối vì đọc thấy toàn cảnh nhạy cảm. Nhưng tới thời điểm này, khi bộ phim đi được 2/3 chặng đường thì vẫn ổn.
Có thể nói, dự án phim Trò đời là một ý tưởng táo bạo của nhóm các nhà làm phim lãng mạn của Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam như đạo diễn Thanh Vân, Nhuệ Giang... Bởi lẽ các nhà làm phim sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải về kinh phí, trang phục, bối cảnh… Trò đời là bộ phim có tính chất thăm dò với khán giả. Nếu khán giả thấy “hợp gu”, hãng phim tiếp tục triển khai chuyển thể kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng khác của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân…
VĨNH XUÂN