CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 9: Tiên đoán về một cuộc tấn công định mệnh

CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 9: Tiên đoán về một cuộc tấn công định mệnh

Dưới áp lực liên tục của Mỹ và nội các, cuối cùng, Thiệu đã phải ký vào Hiệp định Paris. Và sau khi Nixon từ chức (9-8-1974) vì dính vào vụ Watergate, Shackley (khi đó phụ trách Cục Viễn Đông của CIA) yêu cầu Polgar giám định mối nguy của miền Nam Việt Nam. Trong báo cáo, Polgar tiên đoán: “Cuộc tấn công định mệnh sẽ đến sớm và rất có thể sẽ đến trong mùa khô 1975”.

“Chạy hướng nào cũng không tránh được tai họa”

Ngày 19-12, Alexander Haig, phụ tá Kissinger đến Sài Gòn. Thiệu tiếp Haig một cách thoải mái hơn (so với Kissinger). Haig chuyển cho Thiệu một thư tay của Nixon và Thiệu cũng đưa cho Haig một thư cầm về cho Nixon mà không nói gì nhiều với Haig. Bunker nói với Haig ông tin rằng nội dung lá thư của Thiệu sẽ không làm Tổng thống Nixon hài lòng. Và Haig nói thẳng với Thiệu rằng ký Hiệp định Paris là một nhu cầu chính trị của Mỹ nên ngôn từ trong đó không phải là chuyện quan trọng. Bunker nghĩ Thiệu hiểu tình hình, nhưng tâm lý bực bội Kissinger làm ông ta không thay đổi thái độ một cách dễ dàng được.

Ngày 21-12, Khiêm nói với Polgar ông hiểu sự thúc bách của dư luận và Quốc hội Mỹ (muốn chấm dứt chiến tranh và thấy tù binh Mỹ trở về) và tốt hơn hết Thiệu nên ký hiệp định để bảo đảm nguồn viện trợ. Khiêm nói Thiệu có thể bị thuyết phục bằng cung cách mềm dẻo hơn là bằng áp lực và đe dọa như Kissinger và Haig đã làm. Hơn nữa Thiệu chỉ còn chống khoản liên quan đến quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam và Khiêm nghĩ Tổng thống Nixon có đủ uy tín để giải thích với Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, Khiêm hứa sẽ thuyết phục Thiệu và yêu cầu Bunker tiếp tục thúc bách Thiệu.

Sau khi ông Lê Đức Thọ từ Hội đàm Paris trở về Hà Nội, Nixon ra lệnh oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng bằng B52 trong suốt 1 tuần lễ vào dịp Giáng sinh. Ông Thọ trở lại Paris tiếp tục đàm phán. Mỹ ngừng ném bom. Ngày 12-1-1973, sau khi Mỹ ngừng ném bom, tình báo CIA tại Hà Nội cho biết Hà Nội sẵn sàng ký hiệp định vào ngày 20-1-1973.

Ngày 16-1, Haig đến Sài Gòn với một thư tay khác của Nixon gửi cho Tổng thống Thiệu rằng nếu vẫn không ký, ông sẽ công khai tố cáo trước dư luận thế giới Thiệu ngăn cản hòa bình. Thiệu vẫn hoãn binh và cho biết sẽ trả lời Nixon vào ngày hôm sau.

Hôm sau, 15 phút sau khi máy bay Haig rời Tân Sơn Nhất, Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh thu hẹp, đọc tối hậu thư của Nixon cho hội đồng nghe. Sau đó, hội đồng bàn về cách thức thi hành hiệp định. Việc ký kết đến đây xem như đương nhiên. CIA báo cáo rằng “trong thâm tâm, Thiệu biết trước sau cũng phải ký theo ý Mỹ nhưng ông ta đã làm những gì cần thiết có lợi cho sự tồn tại của Nam Việt Nam”.

Sáng 20-1, Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia thông báo quyết định ký hiệp định. Phó Tổng thống Trần Văn Hương khóc nói rằng miền Nam Việt Nam đang ở trên một chiếc cầu gãy, chạy hướng nào cũng không tránh được tai họa và ký hiệp định thì tai họa nhỏ hơn.

Tiên đoán về một “cuộc tấn công định mệnh”

Tháng 7-1973, Đại sứ Martin đến Sài Gòn. Martin từng là đại sứ tại Italia và Thái Lan. Cũng như Bunker, Martin dùng sự tiếp cận của CIA đối với các tướng lĩnh Việt Nam để kín đáo vận dụng chính sách của Mỹ. Qua trung gian của Khiêm, Quang và đôi khi là Bình, và với các nhân vật trong Quốc hội, Tòa đại sứ dò biết được suy nghĩ và tính toán của Thiệu. Các nhân vật này sẵn sàng khuyến cáo Thiệu theo chính sách Mỹ, dù đó là chính sách thực chất hay chỉ là hào nhoáng.

Tháng 8-1973, Nixon từ chức vì dính vào vụ Watergate. Lúc này Mỹ đã hoàn tất áp lực buộc Thiệu phải ký Hiệp định Paris (1-1973) và Nghị định thư (6-1973) thi hành hiệp định. Cả hai văn kiện đều bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Từ mùa thu 1973 cho đến mùa đông 1974, Hà Nội chơi trò “mèo vờn chuột” với quân đội VNCH, và cũng là thời gian quan hệ giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại sứ Martin lạnh nhạt nhất.

Cuối năm 1974, tin tình báo cho biết Cộng sản sẽ mở cuộc tấn công đông xuân 1974-1975. Và cuộc tấn công đã diễn ra cuối năm 1974. Ngày 6-1-1975 tỉnh lỵ Phước Long thất thủ.

Trong buổi chất vấn của Thượng viện Mỹ để phê chuẩn Henry Kissinger vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao, Kissinger nói trước Thượng viện rằng “chiến tranh Việt Nam xem như đã qua”. Polgar ở Sài Gòn cho rằng Kissinger không diễn tả hiện trạng của cuộc chiến tranh, vì cuộc chiến chưa chấm dứt. Langley đồng ý với Polgar và tiên đoán chiến cuộc sẽ bùng nổ vào khoảng tháng 11-1974.

Tháng 12-1973, Đại sứ Martin đi Paris tham dự hội nghị thi hành hiệp định. Trở về Sài Gòn ngày 22-12-1973, Martin - theo khuyến cáo của Ngoại trưởng Kissinger - yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đơn phương tuyên bố ngừng bắn, chấp nhận bản đồ phân chia ranh giới kiểm soát và trao đổi tù binh.

Tháng 2-1974, Tổng thống Thiệu thông qua Quốc hội sửa đổi Hiến pháp cho phép ông ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, sau đó ông cải tổ nội các. Sự cải tổ làm CIA mất một số người đưa tin quan trọng. Ông Nguyễn Văn Ngãi rời ghế Bộ trưởng Phát triển nông thôn sang đảng Dân chủ. Bộ trưởng Cựu Chiến binh Phạm Văn Đổng bị rắc rối vì một vụ chứa bạc lậu nên cũng mất sự tiếp cận với Thiệu. Đổng dùng quan hệ với CIA để chạy tội nhưng CIA không giúp. Kết quả, tháng 4-1974 Đổng bị bắt và bị tù cho đến tháng 7-1974. Tuy nhiên tướng về hưu Trần Văn Đôn (kiêm Thượng nghị sĩ) trở lại chức vụ Phó Thủ tướng Đặc trách Thanh tra và An ninh. Đôn vốn có nhiều quan hệ với CIA và là một nguồn đưa tin tốt. Khiêm thì vẫn thường xuyên hợp tác với CIA.

Đầu năm 1974, tại Mỹ, lợi dụng lúc Tổng thống Nixon đang gặp khó khăn về vụ Watergate, báo chí Mỹ - dẫn đầu bởi tờ báo New York Times - dấy lên phong trào nói xấu chính quyền Nam Việt Nam để thuyết phục Quốc hội thôi ủng hộ Nam Việt Nam. Báo chí Mỹ còn tố cáo CIA tiếp tay cho cảnh sát VNCH tra tấn tù nhân chính trị. Đại sứ Martin đã yêu cầu Thượng nghị sĩ William Fulbright (đảng Dân chủ, bang Arkansas) quan tâm đến vấn đề này…

Trong khi Đại sứ Martin nghi ngờ báo chí Mỹ muốn miền Nam Việt Nam sụp đổ thì Tổng thống Thiệu nghi ngờ Chính phủ Mỹ cũng có chủ trương này.

Sau khi Nixon từ chức (9-8-1974), Shackley (khi đó phụ trách Cục Viễn Đông của CIA) yêu cầu Polgar giám định mối nguy của Nam Việt Nam. Trong báo cáo, Polgar tiên đoán: “Cuộc tấn công định mệnh sẽ đến sớm và rất có thể sẽ đến trong mùa khô 1975”.

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: T.L.

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: T.L.

Thiệu vẫn cố trông chờ “bầu sữa mẹ”

Ngày 8-11-1974, Polgar nhận được báo cáo tình báo từ Hà Nội qua cơ sở CIA tại Biên Hòa cho biết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa họp thông qua Nghị quyết 75 quyết định tiến hành một cuộc đại tấn công miền Nam trong năm 1975 và cuộc tấn công này sẽ lớn hơn mức độ cuộc tấn công 1972. Nghị quyết 75 nhận định rằng Hà Nội chỉ dùng 1/3 lực lượng hiện có tại miền Nam đã có thể kiềm chế toàn bộ quân đội VNCH và rằng cuộc tấn công trải rộng toàn quốc trên cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế. Lệnh thu mua lúa gạo và các thực phẩm khác chuẩn bị cho một chiến dịch dài ngày đã được Hà Nội ban hành.

Polgar do dự chưa chuyển tin tình báo này về Langley thì giới tình báo Mỹ hỏi Polgar nghĩ gì về phân tích tình báo trước đó của Hội đồng Tình báo Trung ương rằng có thể Hà Nội sẽ không mở một cuộc tấn công quy mô trong mùa khô từ 8-1974 đến 6-1975. Trả lời ngày 11-11-1974, Polgar không nhắc lại lời tiên đoán của ông phù hợp với nội dung của tin tình báo “khá tế nhị” mà ông vừa nhận được và viết rằng CIA Sài Gòn cũng chưa có cơ sở nào để nghĩ khác với Hội đồng Tình báo. Tuy nhiên, Polgar đính kèm “bản tin tình báo từ Hà Nội” để Hội đồng Tình báo xem xét với lưu ý rằng nguồn cung cấp tin này là nguồn đã cung cấp tin rất chính xác về vụ tấn công 1972. Tòa đại sứ cũng nhận được một tin đặc biệt rằng Hà Nội sẽ mở một cuộc tấn công lớn nếu trong vòng 3 hay 4 tháng, Tổng thống Thiệu chưa từ chức…

Trước tình hình quân sự không mấy sáng sủa cho miền Nam, Mỹ lấy lý do các nước Ảrập phong tỏa dầu lửa đã cắt bớt viện trợ kinh tế cho miền Nam Việt Nam. Tổng thống Thiệu nghi ngờ đây là sự đáp trả của Mỹ vì trước đó ông đã bác bỏ đề nghị cải tổ nội các của Martin.

Khiêm thông báo cho CIA biết, tình hình năm 1975 sẽ không sáng sủa về cả hai mặt quân sự và kinh tế. Khiêm nói với Mỹ rằng Hà Nội thừa biết quân đội VNCH không có khả năng bảo vệ tất cả 44 tỉnh miền Nam. Sự thông báo này hàm ý Tổng thống Thiệu có thể sẽ bỏ một số nơi. Khiêm nói úp mở rằng thí dụ giữ được Kon Tum thì tốt nhưng không có lý do gì phải hy sinh một sư đoàn để giữ Kon Tum.

Ngày 6-1-1975, Phước Long thất thủ. Đại sứ Martin báo cáo với Washington rằng Hà Nội đã thành lập 4 sư đoàn với nhân lực địa phương nên có khả năng nới rộng sự kiểm soát đất mà không cần di chuyển các sư đoàn từ miền Bắc vào. Nhưng Martin cho biết, theo ông, Thiệu vẫn còn khả năng đáp trả…

Thiệu nghĩ một cách đơn giản rằng trước sau Quốc hội Mỹ cũng chuẩn chi 700 triệu đôla và ông sẽ có đủ đạn dược, xăng dầu chống lại cuộc tấn công vào năm 1975 của Hà Nội. Nếu không, ông sẽ tái phối trí (được hiểu là bỏ đất). Để hỗ trợ Thiệu, Polgar gửi điện về Washington rằng: “Nếu Mỹ không viện trợ cho Sài Gòn thì Hà Nội không thấy có lý do gì thỏa thuận những đề nghị có tính hòa hoãn của ông Thiệu như Mỹ muốn”.

Cuối tháng 2-1975, Tổng thống Ford đề nghị một gói viện trợ 3 năm cho VNCH. Ngày 26-2, Polgar gửi điện yêu cầu Kissinger dùng “uy tín cá nhân và khả năng trí tuệ” của mình để vận động Quốc hội thông qua gói viện trợ này. Polgar viết, gói viện trợ 3 năm này sẽ làm cho Hà Nội suy nghĩ lại về các tính toán của họ và do đó, mới có điều kiện thi hành Hiệp định Paris.

Theo đánh giá của Polgar, số đạn dược Hà Nội chuyển vào Nam rất lớn, gồm đạn dược dự trữ bảo vệ miền Bắc và đạn dược do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ gộp lại. Đánh giá này cho thấy Hà Nội dự tính tổng lực cho chiến dịch 1975. Polgar phân tích rằng nếu Mỹ viện trợ đầy đủ cho miền Nam Việt Nam thì sau khi dốc cạn vốn mà không thắng, Hà Nội bắt buộc phải từ bỏ ý định tấn công miền Nam bằng vũ lực.

Kỳ 10: Thời điểm sinh tử

TRẦN BÌNH NAM (P.Tr. lược trích và giới thiệu)

CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn

- Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

- Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

- Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện 

- Kỳ 4: Xáo trộn và chia rẽ

- Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui

- Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

- Kỳ 7: Phản chiến lan rộng, Mỹ bối rối

- Kỳ 8: Hòa bình đã trong tầm tay

 

Tin cùng chuyên mục