CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui

Giữa năm 1966, khi Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến, CIA lại liên hệ với các ông tướng trong việc hỗ trợ vận động. Qua yêu cầu của Tướng Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Cảnh sát quốc gia và An ninh quân đội, với sự đồng ý của Đại sứ Lodge, ngày 25-8, CIA cấp cho Loan 10 triệu đồng (tương đương 85.000 USD) để bù vào ngân khoản của cảnh sát mà Loan đã dùng để hỗ trợ cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên thân Kỳ. Sau đó, John Hart đến Sài Gòn thay cho Gordon Jorgensen làm Trưởng cơ sở CIA Sài Gòn.
CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui

Giữa năm 1966, khi Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến, CIA lại liên hệ với các ông tướng trong việc hỗ trợ vận động. Qua yêu cầu của Tướng Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Cảnh sát quốc gia và An ninh quân đội, với sự đồng ý của Đại sứ Lodge, ngày 25-8, CIA cấp cho Loan 10 triệu đồng (tương đương 85.000 USD) để bù vào ngân khoản của cảnh sát mà Loan đã dùng để hỗ trợ cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên thân Kỳ. Sau đó, John Hart đến Sài Gòn thay cho Gordon Jorgensen làm Trưởng cơ sở CIA Sài Gòn.

Vai trò của Nguyễn Ngọc Loan

John Hart muốn làm việc chặt chẽ hơn với các ông tướng và giữa tháng 11-1966 đã yêu cầu Langley cấp 14 triệu đồng cho Nguyễn Ngọc Loan để củng cố vị trí của Kỳ. Loan nói Kỳ cần số tiền này để tránh sự chỉ trích của các tướng trong Hội đồng lãnh đạo quốc gia rằng Kỳ đã dùng quỹ đen của văn phòng thủ tướng cho mục tiêu chính trị, và sự chỉ trích này đang đe dọa vị trí của Kỳ.

Langley không chấp thuận đề nghị của John Hart vì nghi ngờ Loan và đề nghị thay thế Loan. Số tiền 10 triệu đồng đã giúp Loan chỉ làm cho Kỳ bớt lúng túng (trước sự nhòm ngó của Hội đồng Lãnh đạo) nhưng đã không giúp ích gì vào kết quả cuộc bầu cử. Hai ứng cử viên thân Kỳ tại Đà Nẵng đều thất cử.

Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một sĩ quan quyền biến và tuyệt đối trung thành với Kỳ nhưng Loan có tính độc lập và đôi khi có tác phong rất “hề” như đi làm mặc đồ ra trận, chân đi dép cao su và không bao giờ đúng hẹn. Đặc biệt là coi thường quyền cá nhân của người khác và xem thường các chương trình của chính phủ để thu phục lòng dân.

Khi Langley tính thay thế Loan, CIA và tòa đại sứ Mỹ đứng trước một vấn đề nan giải là ai có khả năng thay Loan. Hart nói rằng nếu Mỹ muốn ủng hộ Kỳ thì không thể thay thế Loan. Loan đã chứng tỏ rất hữu ích trong hai nỗ lực của CIA năm 1967 là: Phát triển một đường dây tiếp xúc với thành phần Mặt trận giải phóng (MTGP) có khả năng độc lập với Hà Nội và duy trì sự ổn định của chính phủ Kỳ.

Mỹ có ý tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt Nam từ mùa xuân năm 1966 khi John Hart đến Sài Gòn thay thế Peer de Silva. Hart cho mở một phòng (gọi là VietCong Branch) chuyên lo việc tìm đường dây tiếp xúc với MTGP không qua các thông tin từ phía Việt Nam Cộng hòa. Đến cuối năm 1966, văn phòng này đã mở được vài đường dây.

Tại Washington, từ đầu năm 1966, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã nghĩ đến việc cuộc chiến không thể thắng bằng quân sự và Tổng thống Johnson đã có khuynh hướng tìm một giải pháp chính trị khi bổ nhiệm Đại sứ W.Arerell Harriman làm đại sứ hòa bình.

Ngày 1-4-1967, Quốc hội Lập hiến thông qua bản hiến pháp và dự trù bầu tổng thống vào mùa thu. Ngày 1-5-1967, Đại sứ Ellworth Bunker đến Sài Gòn thay Lodge. Ông Bunker tích cực can thiệp vào cuộc bầu cử mà CIA đã chuẩn bị sân chơi từ tháng 2-1967 khi yêu cầu Kỳ thành lập một mặt trận đoàn kết quốc gia để chuẩn bị ra ứng cử tổng thống. Tướng Westmoreland và Đại sứ Bunker có ý ủng hộ Thiệu. Trong khi đó, Washington muốn Mỹ giữ thái độ trung lập giữa Thiệu và Kỳ.

Tháng 3-1967, một nhà xuất bản Mỹ đề nghị xuất bản một cuốn sách cho Kỳ. CIA muốn nhân dịp này yêu cầu Kỳ công khai xác định lập trường hợp tác với Mỹ, đồng thời (để tăng uy tín của Kỳ) đề nghị Kỳ tuyên bố tặng tiền bán sách cho các cơ sở từ thiện. Dự tính này bị rơi vào quên lãng. Ngày 12-5, Kỳ tuyên bố ra ứng cử tổng thống.

Lính Mỹ tại Việt Nam.

Lính Mỹ tại Việt Nam.

Tháng 5-1967 Loan đi Mỹ và công khai nói rằng tại sao Kỳ không thể dùng bộ máy chính quyền trong tay để vận động tranh cử. Phó Giám đốc CIA Richard Helm và Giám đốc Cục Viễn Đông của CIA William Colby lạnh nhạt trước ý kiến này và lưu ý Loan nên để tâm đến việc tiếp xúc với MTGP miền Nam Việt Nam. Loan không phản đối và đề nghị CIA cứ làm việc đó với đường dây riêng của mình.

Việc Loan muốn dùng uy thế chính phủ để vận động cho Kỳ, trong khi tòa đại sứ Mỹ muốn giữ thế trung lập giữa Thiệu và Kỳ buộc Đại sứ Bunker tìm cách vận động cách chức Loan. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ muốn dùng Kỳ bảo Loan không nên làm quá trớn.

Miller gặp Kỳ ngày 21-6 để gây áp lực. Kỳ hứa sẽ nói với Loan và sẽ chuyển chức vụ Giám đốc An ninh quân đội (của Loan) cho người khác. Trước đó, Miller đã dùng hai đàn em thân tín của Kỳ (làm việc cho CIA) đề nghị Kỳ nên triệu tập các tỉnh trưởng và quận trưởng toàn quốc về họp và chỉ thị không được dùng uy thế chính quyền để ủng hộ Kỳ. Việc này nhằm chứng tỏ Kỳ không lạm dụng quyền lực. Trong buổi gặp này, Kỳ nói với Miller rằng Kỳ có sáng kiến sẽ triệu tập các tỉnh, quận trưởng cũng với mục đích như vậy. Miller biết “sáng kiến” này đến từ đâu!

Đại sứ Bunker hài lòng với cách thức gián tiếp “thuyết phục Kỳ” như vậy để thực hiện bề ngoài trung lập theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao.

Nội các Thiệu - Kỳ.

Nội các Thiệu - Kỳ.

Thiệu - Kỳ đắc cử

Nhưng một chuyển biến bất ngờ xảy ra. Hội đồng Tướng lĩnh Sài Gòn ngày 30-8-1967 tuyên bố đã ép Kỳ đứng phó cho liên danh Thiệu - Kỳ để tránh chia rẽ trong quân đội. Kỳ giải thích quyết định này một cách riêng tư rằng ông làm vậy vì “quyền lợi quốc gia” và ông Thiệu đồng ý sau khi đắc cử, mọi quyền hành đều giao cho Kỳ (như Kỳ là tổng thống) và Thiệu chỉ là tổng thống bù nhìn.

Ngoài liên danh Thiệu - Kỳ còn có nhiều liên danh dân sự trong đó có liên danh của ông Trần Văn Hương là nổi bật nhất. Mỹ không muốn thấy một tổng thống dân sự nhưng vẫn tỏ ra trung lập giữa hai ứng cử viên Thiệu và Hương.

Ngày 21-6, Kỳ gặp Miller và đề nghị cử Nguyễn Xuân Phong, một nhân vật thân CIA và là một viên chức trong bộ máy tranh cử của liên danh Thiệu - Kỳ làm trung gian giữa liên danh Thiệu - Kỳ với CIA. Phong có nhiệm vụ thông báo cho Miller mọi kế hoạch tranh cử của liên danh và nhận đề nghị của Miller.

Ngày 20-7, Phong báo cáo với Miller rằng Thiệu sẵn sàng đóng vai trò phụ sau khi đắc cử như Kỳ đã nói trước đây. Qua Phong, trong tháng 7-1967, Kỳ nhận của Mỹ 5 triệu đồng để tổ chức một mặt trận tôn giáo và chính trị ủng hộ liên danh quân nhân.

Dù hỗ trợ như vậy, CIA vẫn lo ngại liên danh Thiệu - Kỳ có thể thất cử nên đồng ý với đề nghị của Phong để cho Loan dùng cảnh sát công an “vận động” phiếu cho Thiệu - Kỳ trong những vùng Thiệu - Kỳ có khả năng không có phiếu.

Ngày 26-7, Miller chuyển cho Phong một cương lĩnh vận động tranh cử (sau khi Đại sứ Bunker đã duyệt) gồm hứa tăng lương cho quân nhân và công chức, chống tham nhũng và phát triển đời sống vùng nông thôn. Kỳ đồng ý và hình như không thông báo gì cho Thiệu. Kỳ yêu cầu Mỹ hỗ trợ thêm tiền và dọa rằng nếu Mỹ không giúp, Kỳ phải dùng Loan “mượn tiền” một số người.

Dù vậy, Mỹ vẫn không giúp thêm và vài ngày sau Phong cho Miller biết Kỳ đã giải tỏa 8 triệu đồng cho bộ máy tranh cử trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tiền đâu ra? CIA thắc mắc thì Phong cho biết tiền do Loan xoay. Đại sứ Bunker còn một đề nghị sau cùng là Kỳ từ chức thủ tướng 2 tuần trước ngày bầu cử nhưng Kỳ thẳng thừng gạt bỏ ý kiến của Bunker.

Giữa tháng 8-1967, liên danh Trần Văn Hương yêu cầu Mỹ hỗ trợ tài chính tranh cử. Đã giúp liên danh Thiệu - Kỳ, Đại sứ Bunker muốn giúp Hương để giữ thế trung lập nhưng Washington không thuận.

Một điều đáng ghi nhận là trong cuộc tranh cử, Thiệu âm thầm để Kỳ và Loan tự do làm việc với tòa đại sứ Mỹ qua trung gian Nguyễn Xuân Phong.

Ngày 3-9-1967, Thiệu - Kỳ thắng cử với 35% số phiếu bầu, một kết quả quá khiêm nhường so với ưu thế của liên danh quân đội. CIA cho rằng có lẽ nhân viên các cấp bỏ tiền vận động vào túi thay vì dùng để vận động. Sau cuộc bầu cử, người ta thấy Thiệu không im lặng như trước bầu cử và không đóng vai trò phụ cho Kỳ như mọi người tưởng. Mỹ lo ngại sự thể này có thể làm Kỳ từ chức Phó Tổng thống hay tệ hơn là công khai cạnh tranh với Thiệu gây tổn hại đến tinh thần quân đội và nỗ lực chiến tranh.

Đụng chạm đầu tiên: Đài truyền hình NBC muốn phỏng vấn Thiệu và Kỳ trong chương trình “Meet The Press”. Thiệu nói với NBC chỉ cần phỏng vấn tổng thống là đủ. Kỳ nổi giận và Miller phải tìm cách khuyên Kỳ kiềm chế.

Trong khi đó, Hart lo việc vận động Quốc hội Lập hiến hợp thức hóa kết quả bầu cử và dọn đường làm việc với Thiệu. Mười ngày sau Miller gặp Thiệu và Thiệu đồng ý nhận Miller làm trung gian giữa phủ tổng thống với tòa đại sứ. Ngày 2-10, Quốc hội Lập hiến hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu - Kỳ và ngày 31-10, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tuyên thệ nhậm chức.

CIA cũng bắt đầu bận rộn chuẩn bị cuộc bầu cử quốc hội dự trù tổ chức vào tháng 12-1967. Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý chi 3.000 USD cho mỗi đối tượng dân biểu thân Mỹ (Bunker chỉ đề nghị 1.500 USD).

Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

Trần Bình Nam (P.Tr. lược trích và giới thiệu)

Thông tin liên quan:

>> Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

>> Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

>> Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện 

>> Kỳ 4: Xáo trộn và chia rẽ

Tin cùng chuyên mục