Sở Tài chính TPHCM vừa trình UBND TPHCM dự thảo 2 quy định: quy định về mức nộp tiền khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 trên địa bàn TPHCM hiện đang chờ HĐND TPHCM thông qua. Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý một số vấn đề liên quan vì theo các DN bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP, nếu UBND TP không cân nhắc một cách hợp lý sẽ dẫn đến việc đội giá thành nhà lên cao.
Thêm một loại phí mới
Với quy định về mức nộp tiền khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn TPHCM, có thể nói đây là một loại phí mới trong lĩnh vực nhà đất sắp được ban hành, bên cạnh các khoản thuế và phí khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trước đến nay.
Người thu nhập trung bình tại TPHCM phải tiết kiệm 17 năm mới mua căn hộ loại bình dân (Ảnh: HUY ANH)
Cụ thể, dự thảo quy định các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước, thì ngoài nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật, còn phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Mức nộp tiền trên được xác định tùy theo mục đích sử dụng đất. Cụ thể, trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; văn phòng làm việc… thì mức nộp tiền này được tính bằng 100% giá đất trồng lúa nước theo Bảng giá đất do TP quy định và công bố hàng năm tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhân với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Với quy định trên, HoREA đề xuất giảm theo hướng mức phí phải nộp khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp nên tính bằng 50% giá đất trồng lúa nước theo Bảng giá đất hàng năm do TP ban hành. “Giá căn hộ bình dân, quy mô vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đang khá cao so với mức thu nhập của người dân lao động (gấp 20 đến 25 lần). Nếu quy định mức thu như dự thảo thì sẽ tác động góp phần làm tăng giá BĐS mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu” - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu lý giải.
Hệ số điều chỉnh giá đất quá cao
Nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng, hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định trong dự thảo quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 trên địa bàn TPHCM chưa hợp lý. Cụ thể, dự thảo quy định hệ số điều chỉnh giá đất của các trường hợp “kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; nhà ở cho thuê; văn phòng làm việc và cho thuê” thuộc nhóm 2, và toàn bộ nhóm 3 theo QĐ 35/2015 của UBND TP từ 1,2 - 2,0 là quá cao. Từ đó, HoREA đề nghị áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất là 1,1 cho khu vực 5 (huyện Cần Giờ), hệ số 1,2 cho khu vực 4 (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn), hệ số 1,3 cho khu vực 3 (quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức), hệ số 1,4 cho khu vực 2 (quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú), hệ số 1,5 cho khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5,10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận). Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị TP không điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh của từng khu vực thuộc nhóm 2 thêm 0,1 lần so với hệ số đã ban hành năm 2015 theo đề nghị của Sở Tài chính vì chưa thật hợp lý. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận, có tích lũy để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm BĐS phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội và tạo việc làm cho người lao động. Hơn nữa, hệ số điều chỉnh giá đất cao dẫn tới nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cao, đồng nghĩa với giá bán, giá cho thuê BĐS, kể cả các sản phẩm khác có liên quan đến chi phí sử dụng đất khi đến tay người tiêu dùng cũng cao tương ứng.
Thực tế cho thấy, hiện cơ cấu giá thành BĐS chưa hợp lý nên đã đội giá nhà lên mà người mua nhà phải gánh chịu. Cụ thể, cơ cấu giá thành BĐS hiện nay bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nộp tiền khi sử dụng đất trồng lúa; chi phí vốn; chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, trang thiết bị; chi phí chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án; thuế và phí; thủ tục hành chính… “Chính vì thế, việc UBND TP cân nhắc về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 trên địa bàn TPHCM một cách hợp lý là rất cần thiết để tránh việc đội thêm giá nhà lên và hậu quả là người dân phải gánh chịu” - ông Lê Hoàng Châu cho hay.
PHÚC LONG