Cơ chế hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ - Việc nên làm

Cơ chế hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ - Việc nên làm

Vừa qua, Đà Nẵng đưa ra chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng/CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường nhằm mục đích giảm nạn nhận hối lộ trong lực lượng này. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ cũng có không ít ý kiến hoài nghi về chính sách này.

Chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/CSGT/tháng của Đà Nẵng là thử nghiệm cần khuyến khích. Ảnh: Nguyên Khôi

Chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/CSGT/tháng của Đà Nẵng là thử nghiệm cần khuyến khích. Ảnh: Nguyên Khôi

Trước nạn nhận hối lộ trong lực lượng CSGT, tháng 3-2012, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra chính sách hỗ trợ tiền hàng tháng cho CSGT nhằm hạn chế nạn nhận mãi lộ trong lực lượng này. Theo đó, mỗi tháng thành phố bồi dưỡng thêm 5 triệu đồng đối với 1 CSGT trực tiếp làm giữa trời nắng từ nguồn kinh phí thành phố, nhưng công an thành phố phải tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ (kể cả công an quận huyện) ký cam kết không nhận hối lộ. Nếu ai vi phạm sẽ bị tước quân tịch. Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Bá Thanh đề nghị công an thành phố lắp đặt camera giám sát tại 4 trạm CSGT cửa ô để kiểm tra tải trọng của xe trên tuyến cũng như chấn chỉnh nạn nhận mãi lộ của CSGT.

Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết việc hỗ trợ tiền cho lực lượng CSGT như chủ trương của thành phố Đà Nẵng là cần thiết vì chính sách này đảm bảo được đời sống lực lượng CSGT. Lâu nay, khi CSGT vi phạm đều bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc theo quy định của ngành công an, nay nếu áp dụng tiền hỗ trợ này kèm theo cam kết, mức độ xử lý sẽ cao hơn. Tuy nhiên, mức độ xử lý kỷ luật vẫn phải theo quy trình của ngành.

Đại tá Nguyễn Đình Chính cũng cho rằng không nên dùng chữ “dưỡng liêm” thay cho tiền hỗ trợ này vì nếu “dưỡng liêm” thì nhiều lực lượng khác ngoài ngành công an như kiểm lâm, quản lý thị trường,… thậm chí, các lực lượng khác của ngành công an cũng cần.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Đình Chính, đến nay, dù chính sách đã đưa ra nhưng chưa biết khi nào sẽ có tiền để áp dụng. Nếu có tiền sẽ áp dụng ngay để hỗ trợ lực lượng CSGT và hy vọng đời sống của CSGT sẽ tốt lên.

Khi chính sách này ra đời, rất nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng Đà Nẵng đã có chính sách đúng đắn, một mặt đảm bảo đời sống CSGT, mặt khác làm thanh sạch lực lượng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ áp dụng chính sách đối với riêng lực lượng CSGT là không công bằng. Bởi lẽ, không chỉ lực lượng CSGT mà các lực lượng khác cũng làm việc khổ cực, nguy hiểm và cũng có nguy cơ nhận hối lộ nhiều như kiểm lâm, quản lý thị trường, cảnh sát điều tra…

Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, Đà Nẵng) nhận định đến nay, chưa có văn bản pháp quy nào cấm trường hợp này mà căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để áp dụng. Tuy nhiên, nếu chính sách này chỉ áp dụng riêng đối với CSGT sẽ gây bất bình đẳng trong xã hội. Điều đáng nói, nhận hối lộ hay không do cái tâm của chiến sĩ chứ chưa chắc có tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng sẽ làm chiến sĩ ấy không nhận hối lộ. Chính sách này tốt nhưng để ngăn chặn nạn nhận hối lộ thì… chưa chắc.

Tuy nhiên, dư luận đồng tình cho rằng Đà Nẵng nên áp dụng chính sách này như một thể nghiệm trong lực lượng CSGT. Nếu có tác dụng tốt sẽ nhân rộng, nếu không khả dụng thì hủy bỏ. Bởi lẽ nếu hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng mà dẹp được nạn nhận hối lộ trong lực lượng CSGT là việc phải làm.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục