Cơ chế lãi suất thỏa thuận - Nguồn vốn chưa thông

Cơ chế lãi suất thỏa thuận - Nguồn vốn chưa thông

Cơ chế lãi suất thỏa thuận được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thực hiện là nhằm khai thông dòng vốn phục vụ nền kinh tế. Nhưng NHNN lại quy định chỉ áp dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn, nên trên thực tế vẫn còn ách tắc.

Các ngân hàng thương mại được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với khoản vay trung và dài hạn nhưng thực tế triển khai từ cuối tháng 2-2010 đến nay xem ra không nhiều. Các ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng chững lại trong tháng 2 và khả năng sẽ khó cải thiện trong tháng 3, do vốn đầu vào bị hạn chế bởi trần lãi suất huy động 10,5%. Do vậy, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài áp lực lãi suất đầu ra đè nặng người vay, việc huy động vốn của ngân hàng cũng gặp khó khăn lớn.

Hướng dẫn khách hàng các thủ tục vay vốn tại ACB. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ
Hướng dẫn khách hàng các thủ tục vay vốn tại ACB. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Theo thông tin từ NHNN, hiện tại lãi suất cho vay ngắn hạn quy định 12%/năm, nhưng lãi suất cho vay trung và dài hạn theo cơ chế thỏa thuận phổ biến ở các NHTM nhà nước đã lên đến 14% - 15%/năm và 15% - 17% đối với các NHTM cổ phần, một số ngân hàng còn cho vay với mức lãi suất khá cao lên tới 18% - 20%.

Cụ thể lãi suất thỏa thuận cho vay trung và dài hạn tại Ngân hàng Á Châu (ACB) ở mức khoảng 16%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao nhất là 17,5%/năm; Sacombank 16% - 16,5%/năm; Ngân hàng Phương Đông (OCB) dao động trong khoảng 16% - 17%/năm…

Thực tế các NHTM cũng chẳng muốn tăng lãi suất lên quá cao, vì sẽ gia tăng rủi ro. Ông Trần Văn Vĩnh, Tổng Giám đốc OCB cho rằng có thể sau 2 tháng nữa mới đánh giá được hết tác động của việc NHNN cho phép thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận. Nhưng theo ông, với cơ chế trần lãi suất huy động hiện nay ngân hàng khó có thể kiếm được nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển tín dụng, dù được thỏa thuận lãi suất.

Theo các ngân hàng, trần lãi suất huy động đang mất dần ý nghĩa. Mặc dù NHNN tiếp tục thanh tra những ngân hàng vượt trần lãi suất huy động, nhưng các nhà băng vẫn không ngừng gia tăng khuyến mãi cho khách hàng gửi tiền, đẩy lãi suất tiền gửi vượt trần cho phép 10,5%/năm.

Các ngân hàng cho biết, để huy động được tiền nhàn rỗi trong bối cảnh hiện nay là bài toán rất khó và trên thực tế tình trạng thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng và khách hàng (vượt mức trần lãi suất cho phép 10,5%/năm) đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Một số ngân hàng cho biết lãi suất tiền gửi đang mất dần tính hấp dẫn, tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong tháng sau Tết Nguyên đán tuy không giảm mạnh so với trước nhưng nhìn chung tăng không nhiều. Khách hàng chỉ tập trung gửi tiền ở kỳ hạn ngắn khoảng 3 - 6 tháng và quy định ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo một số ngân hàng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xây dựng năm 2010 thấp hơn năm trước nhưng khó có khả năng hoàn thành được chỉ tiêu vì những lý do trên. Các NHTM đã kiến nghị NHNN sớm tiếp tục tháo gỡ trần lãi suất huy động và mở rộng cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn. Trong khi NHNN chưa có quyết định cuối cùng, các chuyên gia kinh tế ngân hàng cho rằng việc xóa bỏ trần lãi suất trong giai đoạn đầu có thể sẽ tăng cao nhưng sau đó hạ thấp và ổn định trở lại. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Vietbank, bức xúc, cho rằng việc huy động vốn và cho vay vẫn bị khống chế bởi trần lãi suất cơ bản nên vấn đề này cần được tháo gỡ.

TRẦN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục