Có “cò” là có nhũng nhiễu, tiêu cực...

Thời gian qua báo chí đã có nhiều bài phản ánh tình trạng “cò” hoạt động công khai tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và các phòng công chứng Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không chỉ đi công chứng và xin phép thành lập doanh nghiệp, mà hầu như lĩnh vực hành chính nào người dân muốn được giải quyết nhanh đều phải qua… “cò”. Đơn cử như xin giấy phép xây dựng, hợp thức hóa nhà đất, nhập hộ khẩu, xin học cho con… Tất cả đều có giá của nó, thấp nhất là 500.000 đồng/hồ sơ. Còn cao thì tùy tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, nhưng thường phải có giá từ 5 triệu đồng/hồ sơ trở lên.

Thời gian qua báo chí đã có nhiều bài phản ánh tình trạng “cò” hoạt động công khai tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và các phòng công chứng Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không chỉ đi công chứng và xin phép thành lập doanh nghiệp, mà hầu như lĩnh vực hành chính nào người dân muốn được giải quyết nhanh đều phải qua… “cò”. Đơn cử như xin giấy phép xây dựng, hợp thức hóa nhà đất, nhập hộ khẩu, xin học cho con… Tất cả đều có giá của nó, thấp nhất là 500.000 đồng/hồ sơ. Còn cao thì tùy tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, nhưng thường phải có giá từ 5 triệu đồng/hồ sơ trở lên.

Các trường hợp trên chỉ là dạng “cò con” hoạt động bề nổi. Trên thực tế còn có một loại “cò” khác hoạt động ngầm trong các cơ quan công quyền, chuyên đứng ra lo các loại thủ tục hành chính ở cấp TP và bộ ngành trung ương. Tại một hội nghị ngành giáo dục - đào tạo khu vực phía Nam được tổ chức tại TPHCM mới đây, một đại biểu đã mạnh dạn phát biểu: “Cách nay 5 năm, để có được giấy phép thành lập một trường đại học, chi phí lo cho “cò” là 200 triệu đồng. Còn hiện nay, giá này được nâng lên tới 2 tỷ đồng”.

Vị cán bộ này còn đưa ra dẫn chứng rất cụ thể ở một trường đại học nọ phải mất đến gần 2 năm trời mới lo được giấy phép mở trường. Thế nhưng, qua “cò” thời gian chỉ mất hơn 2 tháng là xong. Bù lại, chi phí mà trường phải bỏ ra lên tới gần 2 tỷ đồng. Tính ra, thà tốn tiền ngay lúc đầu cho “cò” còn “kinh tế” hơn là chi phí đi lại, thủ tục, giấy tờ… trong gần hai năm trời để có được giấy phép thành lập trường.

Trong lĩnh vực cấp phép đầu tư dự án, mở bệnh viện tư nhân, mở trường phổ thông dân lập, đấu thầu công trình xây dựng cơ bản, xin cấp ngân sách đầu tư, mua sắm thiết bị… muốn nhanh, chủ đầu tư cũng đều phải qua “cò”. Chi phí để chạy lo một thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này cũng phải mất từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đặc điểm, hoạt động của “cò” trong các lĩnh vực này thường phải có đường dây hoặc mối quan hệ giới thiệu. Tuy nhiên, khi cần lúc nào “cò” cũng xuất hiện và biết cách làm cho “khách hàng” của mình yên tâm với thời gian nhanh nhất, chi phí hiệu quả nhất.

Thực tế hiện nay, pháp luật cho phép các tổ chức, doanh nghiệp được đứng ra thực hiện các dịch vụ hành chính. Việc làm đúng pháp luật này không thể gọi là “cò”. Thế nhưng, việc một số cá nhân tự đứng ra nhận hồ sơ của người dân, sau đó móc nối với cán bộ, công chức để giải quyết nhanh là một hành vi tiêu cực mà xã hội đang lên án. Bởi hành vi này là một trong những nguyên nhân góp phần làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính. Nhiều nơi, cán bộ, công chức làm khó dân vì biết chắc để muốn được xong việc người dân thường tìm đến “cò”. Chính vì vậy, ở nơi nào có tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực thì nơi đó có “cò” hoạt động.

Thiết nghĩ, chủ trương cải cách hành chính mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện, muốn đạt hiệu quả, trước tiên nên bắt đầu bằng cải cách hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức. Con người tốt thì bộ máy hành chính hoạt động mới có hiệu quả. Còn ngược lại, nó cản trở tiến trình phát triển chung của xã hội và làm phiền hà dân, làm cho các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong bộ máy công quyền không được chấn chỉnh.

PHƯƠNG THANH

Tin cùng chuyên mục