Ngày 30-10, đoàn đại biểu HĐND TPHCM đã thực hiện giám sát về tình hình đời sống của người dân sau tái định cư (TĐC) trên địa bàn 4 quận: 1, 2, 3 và 5.
Báo cáo với đoàn giám sát, UBND quận 3 cho biết, trong giai đoạn 2007 - 2012 quận chỉ thực hiện các dự án bồi thường, hỗ trợ TĐC có quy mô nhỏ, phục vụ thu hồi các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước với 7 dự án, tổng số hộ dân phải di dời khoảng 45 hộ. Trong đó có đến 43 hộ dân nhận tiền tự lo nơi ở mới, 2 trường hợp còn lại đang tạm cư chờ TĐC tại chỗ.
Lãnh đạo UBND quận 3 cho biết, kinh phí bồi thường, hỗ trợ người dân trong điều kiện giá đất tại quận 3 tương đối lớn, lên đến vài tỷ đồng/hộ nên đa số người dân đều chọn phương thức nhận tiền tự lo nơi ở mới. Mặc dù vậy, quận 3 cũng cho rằng, người dân không chọn suất TĐC vì những khu TĐC xa nơi ở cũ, bất tiện trong làm ăn, học tập, sinh hoạt.
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, trên địa bàn quận có 2.045 hộ bị di dời thuộc các dự án. Trong đó, chỉ có 355 hộ đăng ký suất TĐC (đã được giải quyết TĐC một phần, một phần đang tạm cư chờ bố trí), chiếm khoảng 17%, gần 1.700 hộ còn lại, chiếm 83% nhận tiền tự lo nơi ở mới. Cũng như quận 3, ông Hòa cho biết, với đặc thù là quận trung tâm nên người dân được đền bù về nhà, đất trên địa bàn quận khá cao. “Khu nhà phố khoảng 60 - 80m² với 3 tầng lầu có thể được đền bù trên 20 tỷ đồng. Khu chung cư cũ Eden trước đây cũng được bồi thường vài chục cây vàng/hộ… Qua đó cho thấy giá trị tài sản và đời sống người dân sau khi TĐC cao hơn” - ông Hòa cho hay.
Giám sát tại quận 2, ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, quận đã xây dựng 16 khu TĐC. Hiện đã hoàn thành được 13 khu với khoảng 10.200 căn hộ và 2.931 nền đất. Tuy nhiên, trong số hơn 27.500 hộ dân TĐC, chỉ có khoảng 5.500 hộ chọn suất TĐC, còn lại tự lo nơi ở mới. Chính vì vậy căn hộ và nền đất TĐC trên địa bàn quận 2 dư rất nhiều. Nguyên nhân người dân thích nhận tiền tự lo nơi ở mới là do số tiền được đền bù cao, theo giá thị trường.
Khác với 3 quận trên, tại buổi giám sát, UBND quận 5 cho biết, đa số người dân bị di dời, giải tỏa thuộc các dự án trên địa bàn quận 5 chọn phương thức TĐC vì quận đã chuẩn bị đủ quỹ nhà TĐC tại chỗ với đầy đủ cơ sở hạ tầng. “Hiện có đến 90% người dân TĐC của quận được tiếp cận chính sách vay vốn của Quỹ hỗ trợ đào tạo việc làm. Việc TĐC tại chỗ cũng đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của người dân nên đời sống của đa số người dân sau TĐC sau khi được quận khảo sát cho thấy tốt hơn và phần lớn người dân đều phấn khởi khi đến nơi ở mới vì chỗ ở khang trang hơn, cuộc sống tươm tất hơn” - đại diện Phòng LĐTB-XH quận 5 cho biết.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho rằng, các quận nên phối hợp với các địa phương mà người dân được TĐC để nắm danh sách, tìm hiểu cuộc sống của người dân sau TĐC như thế nào. Bởi theo ông Hùng, chưa chắc nhận được tiền bồi thường nhiều mà người dân có nơi ở mới và cuộc sống tốt hơn vì không loại trừ người dân mua nhà ở những khu sẽ bị giải tỏa tiếp hoặc tiêu xài hết.
HẠNH NHUNG