Cô gái đến từ hôm qua đến với sinh viên Nga

PGS-TS Maxim Syunnerberg là người phụ trách mảng tiếng Việt tại Học viện Á - Phi, Đại học Moscow State (MSU), ông đã quyết định lựa chọn một số tác phẩm văn học Việt Nam làm giáo trình và mở đầu là tác phẩm “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Báo SGGP đã có dịp trao đổi với PGS-TS M.Syunnerberg xoay quanh việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam vào giảng dạy tại Nga.

PGS-TS Maxim Syunnerberg là người phụ trách mảng tiếng Việt tại Học viện Á - Phi, Đại học Moscow State (MSU), ông đã quyết định lựa chọn một số tác phẩm văn học Việt Nam làm giáo trình và mở đầu là tác phẩm “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Báo SGGP đã có dịp trao đổi với PGS-TS M.Syunnerberg xoay quanh việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam vào giảng dạy tại Nga.

* Phóng viên: Thưa PGS-TS Maxim Syunnerberg, ông có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với Việt Nam?

* PGS-TS MAXIM SYUNNERBERG: Cứ gọi tôi bằng tên thân thiện là Maxim nhé. Với Việt Nam tôi đã quen từ bé, đơn giản vì bố tôi khi đó là một chuyên gia về tiếng Việt mà, khi đó ông công tác tại Ban Việt ngữ thuộc Đài Phát thanh Tiếng nói nước Nga. Từ nhỏ tôi đã gặp nhiều người Việt Nam khi họ đến chơi nhà tôi. Lần đầu tiên tôi nói tiếng Việt là vào khoảng 6-7 tuổi khi cùng với bố đi thăm triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân. Khi đến gian hàng Việt Nam thì bố tôi dạy tôi nói câu: “Chào đồng chí”. Nên khi chọn trường đại học, dĩ nhiên tôi chọn Học viện Á-Phi để học tiếng Việt. Tôi bắt đầu học ở đó từ năm 1997.

Tháng 10-2000 lớp học tiếng Việt của chúng tôi đến Việt Nam và học ở Trường ĐH KHXH-NV đến tháng 6-2001. Sau này, tôi còn đến Việt Nam 3 lần nữa, một lần làm việc trong đoàn Ban Giám hiệu Học viện Á - Phi và hai lần đi du lịch. Tôi rất yêu đất nước Việt Nam nên sẽ cố gắng đến Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Nếu nói về những kỷ niệm với Việt Nam thì viết cả chục trang vẫn không đủ để mô tả hết. Có lẽ điều đáng nhớ nhất là những chuyến đi chơi bằng xe máy ở Hà Nội và các địa phương khác. Vì rong chơi bằng xe máy là lối sống riêng vừa rất tự do vừa có điều kiện hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam nhiều hơn.

* Ông tiếp xúc với các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ lúc nào?
 
* Năm 2002 tôi lên mạng tìm cái gì đó để đọc bằng tiếng Việt và tình cờ thấy được một truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đó là tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua. Tôi rất thích cách viết của Nguyễn Nhật Ánh. Có nhiều đoạn văn làm cho tôi bật cười, có lẽ không phải trong cốt truyện mà chính trong cách viết và cách nói của những nhân vật. Thấy hay, tôi nghĩ sinh viên cũng sẽ thích truyện này nên bắt đầu đưa tác phẩm đó vào quá trình giảng dạy tiếng Việt.
 
Khi soạn sách học này, tôi không tập trung vào ngữ pháp mà vào từ vựng và những bối cảnh đằng sau những chi tiết trong truyện - hình ảnh đường phố và quần áo, phong tục người Việt Nam. Có lẽ cái khó là những sự kiện trong tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua diễn ra không ở một thành phố cụ thể nào, trong khi tôi muốn minh họa bằng tài liệu có liên quan đến hai thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội và TPHCM. Nên những việc này thì phải viết riêng.
 
* Ông có thể cho biết sinh viên Nga tiếp nhận tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua như thế nào trong quá trình học tập?

* Cho dù truyện này dành cho lứa tuổi nhỏ hơn sinh viên nhưng nói chung sinh viên Nga vẫn thích. Với lối viết hóm hỉnh và bổ ích về mặt học tiếng Việt; nhân vật khá hay, có tính cách riêng nên sinh viên Nga thích so sánh họ với nhau.
 
* Dạy tiếng Việt trọn vẹn một tác phẩm văn chương có phải là phương pháp mới? Phương pháp này có những ưu điểm gì, thưa ông?

* Phương pháp này rất phổ biến trong việc dạy các ngôn ngữ phương Tây: tiếng Anh, tiếng Pháp…Nhưng với tiếng Việt và đa số ngôn ngữ phương Đông, phương pháp này chưa áp dụng. Cái ưu điểm chính là sinh viên có dịp đọc tác phẩm văn chương một cách tự nhiên mà không phải là tập hợp những bài ngữ pháp hoặc bài đọc chính trị như bình thường. Đối với sinh viên học tiếng Việt nhưng chưa đến Việt Nam lần nào thì điều quan trọng là giúp cho họ thấy những hình ảnh của đất nước Việt Nam qua việc tìm hiểu sâu tác phẩm. Đọc văn chương rất có hiệu quả trong việc này.

TƯỜNG VY thực hiện

Tin cùng chuyên mục