Có gì tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2019?

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có đông dân hơn bất kỳ khu vực nào khác và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ cho tăng trưởng toàn cầu. 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn là chủ đề được thế giới hết sức quan tâm
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn là chủ đề được thế giới hết sức quan tâm
Vì vậy, theo trang mạng stratfor.com, những chuyển động trong khu vực này trong năm 2019 chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. 

Trung Quốc nỗ lực vượt qua cơn bão thương mại

Bắc Kinh sẽ cố gắng duy trì các tuyến thông tin liên lạc mở về thương mại với Washington bằng cách đề xuất mua thêm hàng hóa của Mỹ và hạ thấp một cách có chọn lọc các rào cản đối với đầu tư. Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường cải cách khu vực kinh tế công thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực tài chính, ô tô và năng lượng.

Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc phải giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước cho lĩnh vực công nghệ, nhưng điều đó sẽ chỉ buộc Bắc Kinh phải đẩy nhanh những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Để tiếp tục ngăn chặn sức ép thương mại của Mỹ, Bắc Kinh sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, chẳng hạn như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương… Với việc bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ, Bắc Kinh sẽ nhân đôi nỗ lực để tìm các thị trường xuất khẩu và đối tác mới thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường.

Bên cạnh đó, khi cố gắng làm suy yếu cấu trúc liên minh khu vực của Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục cách tiếp cận theo hướng hòa giải với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN bằng cách ưu tiên các nỗ lực giải quyết tranh chấp và các mối quan hệ đối tác kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra các đề xuất với Australia, mà các cuộc bầu cử vào tháng 4 của nước này có thể thúc đẩy việc nối lại tình hữu nghị.

Cùng lúc đó, Washington cũng sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trên biển Đông và tại eo biển Đài Loan. Đáp lại, Trung Quốc sẽ áp dụng tư thế cứng rắn hơn trên không và trên biển. Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Washington, nhưng sẽ hạn chế tham gia các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông hoặc tuần tra ở eo biển Đài Loan.

Nhật Bản thức tỉnh, Triều Tiên chưa rõ ràng

Năm 2019, Mỹ kỳ vọng đạt được sự nhượng bộ rõ ràng từ Triều Tiên và cũng là năm mà Bình Nhưỡng hy vọng giành được nhiều lợi ích nhất có thể từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump trước khi Mỹ bị phân tâm bởi chu kỳ bầu cử của họ. Triều Tiên sẽ thận trọng đưa ra những cam kết và chờ đợi tiến triển thực chất trong việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hoặc hướng tới một thỏa thuận hòa bình.

Hiện quyền phủ quyết của Washington tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm bãi bỏ các biện pháp đa phương, ngay cả khi Trung Quốc và Nga thúc giục cộng đồng quốc tế treo thưởng cho Triều Tiên vì sự hợp tác của họ. Đồng thời, Mỹ sẽ gây sức ép buộc các nước khác phải hợp tác trong các biện pháp trừng phạt.

Giữ vững vị trí của mình cho đến năm 2021, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đặt mục tiêu thông qua các cải cách hiến pháp trước khi năm 2019 kết thúc, đồng thời bù đắp cho các tác động kinh tế của đợt tăng thuế tiêu dùng đột ngột thông qua chi tiêu cho các công trình công cộng, khuyến khích đầu tư vào khu vực tư nhân và miễn thuế cho một số sản phẩm.

Tokyo sẽ đưa ra những nhượng bộ giúp xoa dịu phần nào các mối quan ngại thương mại của Mỹ - miễn là sự thúc đẩy quyền tiếp cận nông nghiệp của Mỹ không vượt quá giới hạn được nêu trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các thỏa thuận thương mại Liên minh châu Âu - Nhật Bản. Ngoài ra, Tokyo cũng sẽ chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục