Cô giáo yêu thương tôi nhất, coi tôi như con, như em là cô Hoàng Thị Lệ Thi, ở thung lũng Cao Mại, miền Tây Quảng Bình. Cô Thi hồi đó chừng 20 tuổi, xinh đẹp nhất trường, da trắng mịn, tóc dài quá gối, mắt bồ câu long lanh... đẹp lắm.
Cô là học trò của ba tôi. Năm đó tôi học lớp năm, hôm nhập trường ba dắt tay đến tận cửa lớp bàn giao cho cô, nói thầy trăm sự nhờ em. Cô nhìn qua học bạ, cười với ba tôi, nói chà, cu Lập học giỏi ri thầy còn lo chi. Ba tôi nói nó dại lắm, lại yếu, thầy thì công tác luôn, có gì em trông nom giùm.
Từ đó tôi được cô chăm sóc hết sức tận tình, cái cúc đứt, cái áo rách cô đều khâu vá cho cả. Nhiều khi ba tôi đi công tác vắng, tôi ăn ngủ tại nhà cô luôn. Cô kể chuyện vô cùng hay, toàn kể những tiểu thuyết lớn của Nga, Pháp. Tối nào cứ học xong, cô nằm giữa, tôi nằm một bên, cháu cô là thằng Nhơn (sau này là nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn) nằm một bên nghe cô kể. Cô kể Những người khốn khổ hay đến nỗi sau này tôi đọc lại cuốn ấy thấy không hay như cô kể. Hễ nghe cô nói thôi, ngủ… là cả tôi và thằng Nhơn đều réo không không, kể nữa kể nữa.
Ỷ thế được cô thương, lại là con của thầy cô, tôi sinh ra chủ quan, nghĩ bụng mình làm gì cô cũng cho qua. Nhưng không. Một lần tôi bắt con chuột con thả vào cặp con Lê, nó hét váng. Cô hỏi ai bày trò, con Lê chỉ tôi, cô đã bắt tôi đứng úp mặt vào tường đúng hai tiếng. Sau biết tôi đứng đúng ổ kiến lửa, kiến cắn đỏ chân, cô vừa xoa dầu cho tôi vừa khóc.
Một hôm cô bảo nộp vở soạn văn để chấm. Từ đầu học kỳ tôi chẳng soạn bài nào, vội vàng soạn hai bài rồi đưa vở nộp cô, nói thưa cô em thay vở mới. Cô bảo đem vở cũ đây cô xem, tôi tịt câm. Cô cho hai điểm, sau xóa đi cho 0 điểm, nói soạn bài không đầy đủ là hai điểm, nói dối trừ hai điểm còn 0. Đó là điểm 0 duy nhất trong suốt thời đi học của tôi.
Thời đó học trò luôn phải đi lao động, gọi là vừa học vừa hành, con nít chẳng làm gì nhiều, chủ yếu nhổ sắn, trồng khoai... đại loại thế. Nhưng ba tôi lo tôi mất sức, viết cái thư gửi cô, xin cho tôi được miễn lao động. Tôi nhớ mãi cái thư cô gửi cho ba tôi, bảo tôi cầm về, có đoạn: Thưa thầy, học sinh của em không ai có ngoại lệ. Em xin lỗi vì đã không vâng lời thầy.
Hết lớp năm tôi về lại Ba Đồn, cô đạp xe đạp đưa tôi đi gần ba chục cây số đường rừng về tận bến đò Phù Trịch. Dọc đường cô cứ hỏi giận cô chuyện gì không, ghét cô chuyện gì không. Cô còn hát, nói cô hát mấy bài cho em nhớ. Đường rừng gập ghềnh, lồi lõm, đạp xe đã mệt, cô vừa thở vừa hát, có câu ngắt nhịp hai ba lần cô vẫn cứ hát.
Tới bến đò, đò chưa đi cô vẫn nói nói cười cười, nhưng đò vừa đi cô đã khóc òa, gọi với Lập ơi viết thư cho cô nha em. Ra đến nửa sông vẫn còn nghe tiếng cô gọi. Khi đó tôi cũng khóc, nghĩ bụng về nhà cái là viết thư cho cô ngay. Nhưng rồi mải chơi, khi viết nửa thư thì bỏ, khi viết xong thư thì không kiếm ra tem, khi dán xong thư nhưng không đi gửi... Tóm lại ba chục năm tôi không hề gửi cô một bức thư.
Vẫn nghe thông tin về cô, lấy chồng được hai đứa con, chồng bỏ, một mình nuôi hai đứa con cực khổ vô cùng ở Ba Trại. Lúc nào cũng định bụng thế nào cũng gửi cho cô ít tiền, tóm lại có cả nghìn lý do để suốt 30 năm tôi không gửi cho cô xu nào. Có xa xôi gì đâu, từ Ba Đồn lên Ba Trại không đầy 20 cây số.
Nghĩ mình còn quá một thằng khốn nạn, tết vừa rồi tôi quyết định nhờ thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh) lái xe đi thăm cô. Dọc đường cứ đinh ninh gặp tôi cô sẽ giận lắm, nhất định cô sẽ nói ờ các anh bây giờ nổi tiếng rồi, giàu có rồi, có nhớ đến ai nữa. Nhưng không. Cô ôm lấy tôi hôn như hôn đứa con nít, khóc nấc lên, nói Lập ơi cô nhớ em lắm, Lập ơi cô nhớ em lắm
Nguyễn Quang Lập