Có hay không “Thế kỷ châu Á”?

Châu Á là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và người ta tin tưởng rằng thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á”. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh, mạnh của châu Á đang đặt ra nhiều thách thức và “Thế kỷ châu Á” có nguy cơ chỉ là sự cường điệu. Bài viết trên website www.eastasiaforum.org sẽ cho thấy rõ vấn đề này.

“Thế kỷ châu Á” vốn được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu. Tới tận bây giờ, thế giới vẫn ngỡ ngàng với khả năng của châu Á trong xóa đói giảm nghèo và sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đó cũng bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó có sự quá phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang các thị trường phương Tây.

Các nền kinh tế thành công ở châu Á nhìn chung dựa vào tăng trưởng được định hướng bằng xuất khẩu, được hỗ trợ bằng đầu tư trong nước cao. Hạn chế của mô hình này đã được chứng minh ở Nhật Bản. Nước này không bao giờ chuyển sang nền kinh tế phụ thuộc vào đổi mới và nhu cầu nội địa mà đi theo hướng nợ công khổng lồ và không thể tự xoay sở với gánh nặng lão hóa dân số.

Các nước châu Á khác đối mặt với thách thức lớn hơn về tái cân bằng sức tăng trưởng, vốn bỏ xa các thị trường xuất khẩu phương Tây ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Nhiều nước như Trung Quốc, cũng có dân số lão hóa rất nhanh. Tuy nhiên, đối lập với Nhật Bản, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia già trước khi giàu.   

Đô thị hóa nhanh cũng là một động lực quan trọng của tăng trưởng, khi người dân đổ từ nông thôn ra thành thị và dịch chuyển từ nền nông nghiệp giá trị gia tăng thấp sang ngành dịch vụ và chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn. Hồng Công (Trung Quốc), Singapore và Tokyo (Nhật Bản) đã thành công trong việc trở thành các trung tâm tài chính, kinh doanh và văn hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, đô thị hóa cũng có mặt trái của nó, như tỷ lệ tội phạm, bạo lực và bất ổn tăng cao, ảnh hưởng sức tăng trưởng kinh tế. Sức tăng trưởng là điều rất quan trọng để phát triển cân bằng. Nhưng nhiều nơi ở châu Á, khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng khiến nhiều người bị tước đi cơ hội được tiếp cận thỏa đáng với các dịch vụ giáo dục và y tế.

Hợp tác khu vực là cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng. Châu Á có nhiều tấm gương về hợp tác thành công, sự phát triển các hiệp định tự do thương mại và sự đa dạng của các tổ chức khu vực. Nhật Bản thường là đối tác tham gia tích cực. Trung Quốc cũng đi đầu với việc duy trì ổn định trong nước để nắm thế dẫn đầu toàn cầu. Ấn Độ tiếp tục hăng hái tham gia các cuộc thảo luận.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại nổi bật trong khả năng lãnh đạo về các vấn đề như tăng trưởng xanh, công nghệ thông tin và giáo dục. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều căng thẳng đe dọa như tranh chấp biên giới vẫn còn giữa phần lớn các nước châu Á; mối quan hệ xung đột ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở biển Đông.

Trên vũ đài toàn cầu, châu Á vẫn chưa tạo được dấu ấn một cách hiệu quả, bất chấp khu vực này có tiềm năng đóng góp rất lớn cho thế giới. Những thách thức đối với sự phát triển mà châu Á đang đối mặt vẫn rất lớn. Chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ thấy rõ những kẽ hở ở mô hình phát triển châu Á sẽ ảnh hưởng không chỉ tới chất lượng tăng trưởng mà còn có thể hạn chế số lượng tăng trưởng.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục