Trong khi thông tin từ các địa phương cho biết dịch cúm gia cầm nguy hiểm vẫn đang hoành hành thì Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) lại khẳng định dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát, không còn dịch bệnh. Có chăng chuyện giấu dịch?
Cúm gia cầm vẫn hoành hành
Từ ngày 10-2 đến nay, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) công bố cả nước đã không còn địa phương nào còn dịch cúm gia cầm H5N1. Trước đó, ngày 9-2 dịch cúm gia cầm vẫn phát hiện ở tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, thông tin từ các địa phương vẫn khẳng định dịch cúm gia cầm chưa được kiểm soát và có dấu hiệu lây lan ở khá nhiều địa phương cả ở miền nam lẫn miền Bắc.
Tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 tại một hộ đang nuôi 100 con ngan và 400 con vịt đẻ vào ngày 9-2. Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đã hỗ trợ xã Giao Hà 300 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng toàn xã. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine phòng cúm gia cầm trên địa bàn 5 xã lân cận nhằm bao vây, khống chế không để dịch lây lan.
Ngày 11-2 vừa qua, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, sau khi phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 xảy ra tại buôn Com Leo, xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) và tại nhà anh Lê Quốc Trung, ở xã Ea Ver (huyện Buôn Đôn), lực lượng chức năng đã tiêu hủy trên 32 con ngan và 394 con vịt.
Theo ông Trang Quang Thành, một trong những nguyên nhân chính xảy ra dịch cúm gia cầm là do các hộ gia đình không tiêm phòng dịch. Hiện các lực lượng chức năng đã khoanh vùng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi tại các khu vực có dịch. Cùng ngày, ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, thôn Giáo Liêm - xã Triệu Độ, thôn Thượng Trạch - xã Triệu Sơn của huyện Triệu Phong - Quảng Trị cũng đã xuất hiện cúm gia cầm H5N1.
Trước đó, như đã thông tin, tại huyện Thới Bình, Cà Mau cũng vừa tiêu hủy hơn 100 con gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 của gia đình ông Nguyễn Văn Co ở xã Tân Phú. Ngày 6-2, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã tiêu hủy 500 con vịt thả đồng của ông Cao Văn Hải ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành bị nhiễm dịch cúm A/H5N1. Tại tỉnh này, dịch đã xuất hiện từ tháng 1-2014, tính đến ngày 11-2, đã có 3 ổ dịch với hơn 2.000 con gia cầm phải tiêu hủy.
Báo cáo chậm hay giấu dịch?
Thật khó hiểu, trong khi dịch cúm A/H5N1 đang lây lan như thế thì trên trang web chính thức của Cục Thú y, nơi công bố thông tin về dịch bệnh rộng rãi cho cả nước lại “lặng như tờ”. Ngày 9-2, Cục Thú y cho biết chỉ còn dịch cúm gia cầm ở tỉnh Bắc Ninh và chưa qua 21 ngày.
Tuy nhiên ngày 10-2, Cục Thú y bất ngờ khẳng định cả nước không còn dịch cúm gia cầm, chỉ còn dịch lở mồm long móng. Báo cáo của Cục Thú y đến tối ngày 12-2 mới có thông báo về dịch bệnh của ngày 10-2. Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn khẳng định, đến ngày 10-2, cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm?
Nhiều người cho rằng, trước bối cảnh dịch cúm với nhiều chủng virus độc lực cao và mới đang gây lo ngại tại Trung Quốc thì các cơ quan chức năng cần phải chủ động kiểm soát và công bố tình hình dịch để giúp người dân chủ động phòng tránh, tổ chức chăn nuôi, các doanh nghiệp cũng chủ động việc thu gom, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu các sản phẩm thịt. Còn nếu thông tin không minh bạch như hiện nay thì biết phòng tránh thế nào?
Câu hỏi đặt ra, phải chăng do các địa phương lơ là báo cáo? Theo ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1, tỉnh này đã có quyết định công bố dịch trên địa bàn xã Giao Hà, đồng thời báo cáo về Cục Thú y. “Quan điểm của địa phương là không giấu dịch. Chúng tôi công bố rộng rãi tới người dân trên toàn tỉnh. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn xã có dịch. Mà muốn giấu cũng không được vì chúng tôi phải đưa mẫu bệnh phẩm tới Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) để xét nghiệm”- ông Lê Xuân Thủy khẳng định.
Trong nhiều cuộc họp về dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đều yêu cầu không được giấu dịch. Rõ ràng, việc chậm trễ về thông tin dịch bệnh như hiện nay là không đảm bảo an toàn cho người dân, không giúp người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm an toàn và chủ động giải pháp đề phòng, tự kiểm soát khi lựa chọn các sản phẩm thay thế sản phẩm có nguy cơ bị dịch bệnh.
PHÚC HẬU
- Khánh Hòa: Phát hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1
Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên trong năm 2014. Bệnh nhân là Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, trú phường Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang), nhập viện vào ngày 5-2 trong tình trạng khó thở, ho nhiều, diễn biến tăng lên suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng...
Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu bệnh phẩm của anh Tuấn đều dương tính với cúm A/H1N1. Hiện tình trạng sức khỏe của anh Tuấn dần hồi phục.
VĂN NGỌC
- Đà Nẵng: Tiêm vaccine miễn phí trên gia cầm
Ngày 12-2, Chi cục Thú y TP Đà Nẵng đã triển khai tiêm vaccine đồng loạt trên tổng đàn gia cầm trên địa bàn. Những hộ chăn nuôi dưới 2.000 con, việc tiêm phòng vaccine được thực hiện miễn phí. Các cơ sở chăn nuôi trên 2.000 con trở lên tự lo kinh phí tiêm phòng dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã cấp phát 1.500kg hóa chất để các địa phương thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng, trại chăn nuôi.
NGUYỄN HÙNG