Chiến lược này được xem là một cam kết chung của Chính phủ Đức đối với sự bình đẳng giới và được các bộ ngành tích cực tham gia, theo đó có thể đảm bảo rằng vấn đề bình đẳng không còn được coi là vấn đề dành riêng cho Bộ Phụ nữ, mà là vấn đề chung cho tất cả các bộ.
Chiến lược là một bản kế hoạch gồm các mục tiêu như giảm khoảng cách lương, thu nhập giữa phụ nữ và đàn ông, cũng như cải thiện cơ hội việc làm cho nữ giới. Bên cạnh đó, chiến lược này cũng mở rộng một đạo luật cho phép nữ giới chiếm 30% trong ban điều hành để quy tắc này được áp dụng cho 600 công ty thay vì 105 công ty như hiện nay. Bộ trưởng Bộ Gia đình Đức Franziska Giffey khẳng định, quy định này sẽ tăng số lượng nữ giới trong bộ máy lãnh đạo khi yêu cầu trong thành phần ban điều hành có trên 4 thành viên phải có ít nhất 1 nữ giới.
Đây là kế hoạch chiến lược đầu tiên về bình đẳng giới được thực hiện ở cấp liên bang tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Kế hoạch được công bố không lâu sau khi có nhiều thống kê cho thấy khối liên minh gồm 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tụt lại phía sau trong tiến trình hướng tới các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới. Trong báo cáo đánh giá về tiến bộ của EU trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (LHQ) được công bố ngày 22-6, Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) nhận định, bình đẳng giới dường như “giẫm chân tại chỗ”. Tình trạng bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận giáo dục và trên thị trường lao động lại gia tăng. Các báo cáo trước đó cho thấy chênh lệch giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã được thu hẹp trong vài chục năm gần đây, song vẫn ở mức 27% vào năm 2019.
Đạt được bình đẳng giới vào năm 2030 là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà LHQ đưa ra vào năm 2015 nhằm giải quyết các vấn đề như nghèo đói và xung đột. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể hủy hoại thành tích khiêm tốn của thế giới trong hàng chục năm qua về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm, theo đó gia tăng nguy cơ mất việc đối với phụ nữ. Không chỉ EU bị tác động mạnh, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 30-6 cảnh báo, do khủng hoảng từ Covid-19, tỷ lệ mất việc làm ở nữ giới hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ và bất động sản trên toàn cầu là 40%, trong khi ở nam giới là 36,6%. Trong bối cảnh những biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã khiến EU rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, bình đẳng giới là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đã thành lập đội ngũ ủy viên có sự bình đẳng giới phụ trách thực hiện các chính sách của bà.
Thực tế cho thấy, Đức, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Đài Loan là những nơi đang được đánh giá cao trong việc đối phó với dịch Covid-19, có một đặc điểm chung là đều có lãnh đạo nữ. Cây viết về bình đẳng giới Avivah Wittenberg - Cox nhận định trên tờ Forbes rằng, điểm chung thú vị này cho thấy các nhà lãnh đạo nữ đang thể hiện tài năng lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng, thế giới có thể học hỏi được nhiều điều về họ. Hãy thừa nhận và bầu nhiều nữ lãnh đạo hơn.