Bộ Nội vụ Pháp ước tính có khoảng 22.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hôm 26-1. Đây là tuần thứ 11 diễn ra các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” trên toàn nước Pháp nhằm phản đối chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron. Cảnh sát đã phải dùng vòi rồng đối phó với người biểu tình quá khích và hàng trăm người bị bắt giữ.
Như vậy, sáng kiến tranh luận quy mô toàn quốc của Tổng thống Emmanuel Macron đã không thể làm dịu đám đông “Áo vàng”, đặc biệt là khi đa số người Pháp tiếp tục ủng hộ phong trào này (56% theo một cuộc thăm dò được thực hiện bởi OpinionWay). William Thay, Chủ tịch Viện nghiên cứu Millenaire, nhận định trên báo Pháp Le Monde rằng nếu không muốn kết thúc như những người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Macron phải tận dụng bối cảnh hiện nay ở châu Âu và quốc tế để thực hiện cuộc cách mạng chính sách và giải thoát bản thân khỏi sự phiền toái phát sinh.
Theo ông Thay, việc tôn trọng các quy tắc châu Âu đã gây hại cho chính phủ thông qua lựa chọn duy nhất là tuân thủ các ràng buộc về ngân sách và quy tắc chung của cộng đồng. Trong khi đó, tổng thống vẫn quyết định đánh thêm các loại thuế mới với người dân Pháp, vốn đã bị ảnh hưởng nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng lại giảm thuế cho những người giàu nhất. Ông Thay cho rằng một sự thay đổi mô hình ở châu Âu về chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết. Kết quả kinh tế của một số quốc gia như Hy Lạp và Italy đã chứng minh sự bất công sâu sắc và kém hiệu quả của các lựa chọn chính sách được đưa ra kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 dưới sự thúc đẩy của Đức. Các quy tắc ngân sách cần được sửa đổi để cho phép một cú sốc về nhu cầu và đầu tư. Đồng thời Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng phải đề ra các đạo luật mới đảm bảo đủ việc làm cũng như tăng trưởng công bằng và bền vững.
Với các lựa chọn cải cách cơ cấu thuận lợi hơn và dỡ bỏ các rào cản, Tổng thống Macron sẽ có thể xây dựng thỏa thuận xã hội mới của mình để giải quyết vấn đề bất bình đẳng, đồng thời vẫn đảm bảo được các đòi hỏi cấp bách trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Trước tiên, ông Macron cần cải cách hệ thống giáo dục trong nước, hiện đang bị đánh giá khá thấp trong tất cả các báo cáo của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Tiếp đó, cần khẩn cấp hành động để lấp đầy khoảng cách trong xã hội. Đó là kéo giảm khoảng cách giữa người giàu nhất và người nghèo nhất thông qua một cuộc đại tu hệ thống thuế, kết hợp các loại thuế khác nhau đối với các công ty và thuế tiêu dùng. Đối với an sinh xã hội, cần củng cố hệ thống thuế sao cho dễ hiểu hơn. Các khoản thuế cũng phải tính đến sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các vùng đô thị và ngoại vi, sự đột biến của chính sách gắn liền với sự phát triển của các vùng nông thôn và ven đô…
Hiện tại, Tổng thống Macron đã thành công trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng chính sách trên, chỉ có các biện pháp của ông và tiến trình thực hiện không đáp ứng được cuộc khủng hoảng đang là nền tảng của phong trào “Áo vàng”. Như lời nhận định của Ngoại trưởng Le Drian, ông Macron có thể tận dụng cuộc khủng hoảng này để truyền tải thông điệp của “Áo vàng” và xây dựng một mô hình phát triển mới nhằm giảm bất bình đẳng, cải cách thuế trong chương trình nghị sự của G7 tiếp theo (dưới sự chủ trì của Pháp).