Espana 1982, cả 4 đội vào bán kết đều là châu Âu: Ý, Đức, Ba Lan, Pháp. Đó là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay một châu lục độc chiếm vòng 4 đội cuối cùng. Năm nay, Nam Mỹ đang đứng trước cơ hội tương tự.
Không bao lâu sau khi vượt qua Nhật Bản, HLV Gerardo Martino của Paraguay cảnh báo: “Nam Mỹ đang đạt đến đỉnh cao sức mạnh. Chúng tôi có rất nhiều đội vào tới tứ kết”. Có 4 đội: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Cả 4 được rải đều ra 4 cặp đấu tứ kết, tức là Nam Mỹ có cơ hội độc chiếm vòng bán kết World Cup 2010 chứ chẳng phải không.

Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Paraguay
Đây là lần đầu tiên bóng đá Nam Mỹ đứng trước một cơ hội mang tính lịch sử như vậy, và cơ hội đó đến với họ chẳng phải tình cờ. Bảng thống kê thành tích ở World Cup 2010 cho thấy các đội Nam Mỹ đã thắng 12 lần trong 18 cuộc đối đầu các châu lục khác, hòa 5 trận và chỉ thua đúng 1 trận. Cho đến nay, trong tổng cộng 5 đại diện Nam Mỹ dự World Cup 2010, mới chỉ có Chilê bị loại - và họ chỉ bị loại bởi đội Brazil chứ chẳng phải ai khác. “Tân thế giới” đang thành công hơn “cựu lục địa” ở Nam Phi, điều đó quá rõ ràng.
Câu hỏi đặt ra: Nhờ đâu họ được như vậy? Lời giải thích đầu tiên, phổ biến nhất: Lượng cầu thủ Nam Mỹ thi đấu ở các CLB châu Âu đang tăng cao hơn bao giờ hết. Môi trường thi đấu tiên tiến ở đó giúp họ tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu, hoàn thiện thể lực hơn. Đó là sự bổ sung lý tưởng cho kỹ thuật bẩm sinh. Như Edinson Cavani của Uruguay đã nói: “Ngày nay, có rất nhiều cầu thủ từ Chile, Paraguay và Uruguay góp mặt trong môi trường đỉnh cao ở châu Âu và những nơi khác. Điều này giúp các cầu thủ ấy tập hợp thành những đội tuyển mạnh”.
o0o
Cách giải thích thứ nhì do Diego Maradona, HLV đội tuyển Argentina đưa ra: “Vòng loại World Cup của khu vực Nam Mỹ căng thẳng hơn, chất lượng hơn hẳn châu Âu”. Điều này rất đáng chiêm nghiệm. Trong những kỳ World Cup gần đây, vòng loại ở khu vực Nam Mỹ đã biến thành một giải vô địch khu vực: Cả 10 đội tuyển đá thành một bảng duy nhất, theo thể thức vòng tròn 2 lượt, với cả thảy 18 vòng đấu trong vòng hơn 2 năm. Trong đó, không hề có những đội lót đường như San Marino hay Liechtentein ở châu Âu.
Đội chót bảng ở Nam Mỹ - đội tuyển Peru - có bết lắm thì cũng được FIFA xếp hạng 53 và từng cầm hoà cả Brazil lẫn Argentina trong vòng loại. Trong khi ở châu Âu, bảng vòng loại của đội tuyển Anh (6 đội, 10 lượt trận) chỉ có Croatia và Ucraina nằm trong 75 hạng đầu của thế giới, còn Kazakhstan, Belarus và Andorra đều xếp dưới. Nói chung, chất lượng chung của bóng đá Nam Mỹ đã tốt, sự gian truân của hành trình vòng loại càng luyện cho họ “chì” hơn. Và dĩ nhiên, “chì” ở đây cần được hiểu theo một nghĩa rộng.
Để tham gia một cách đầy đủ nhất những trận vòng loại quan trọng của đội tuyển, các cầu thủ Nam Mỹ đã phải thường xuyên bay đi bay về hàng ngàn dặm. Điều đó đòi hỏi họ vừa phải có ý chí mạnh, vừa phải có cách thích nghi nhanh chóng với những điều kiện rất khác nhau. Mario Andrade, giám đốc thương mại của Nike ở khu vực Nam Mỹ nhận xét: Nếu ở châu Âu hầu như mọi thứ đều hoàn hảo thì ở Nam Mỹ thường là những chuyến đi dài, mặt sân kém chất lượng, trọng tài không thật giỏi và đôi khi các đội phải đá ở độ cao vài ngàn mét so với mặt biển. Các cầu thủ Nam Mỹ được đào luyện nhiều trong gian khổ. Để sau quá trình đó, “5 tuần lễ trong một khách sạn dễ chịu ở vòng chung kết World Cup sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.
HLV đội tuyển Uruguay, ông Oscar Tabarez đồng tình: “Nếu vòng loại là một sự khổ ải kéo dài thì vòng chung kết World Cup chính là một niềm vui”.
o0o
HLV Martino của Paraguay tiếp lời: “Các đội Nam Mỹ đến World Cup này sau khi được chuẩn bị rất kỹ. Ngoài lợi thế là có những cá nhân xuất sắc, các đội Nam Mỹ cũng đang đạt đến trạng thái lý tưởng về khía cạnh tập thể”. Ý của Martino là hầu như tất cả các vị trí trong đội hình cùng thể hiện phong độ tốt. Nhìn vào cái cách Argentina, Uruguay hay Brazil vận hành, có thể thấy Martino không hề phóng đại. Đặc biệt nhất trong đó đương nhiên là Brazil: Đội hình chất lượng, quyết tâm cao độ, chiến thuật rõ nét, lối chơi hiệu quả. Brazil chính là lá cờ đầu của bóng đá Nam Mỹ hiện nay.
Nhưng liệu còn một cách giải thích nào khác nữa cho thành công của Nam Mỹ? Có đấy: May mắn. Bóng đá rất cần may mắn, dù bạn giỏi đến đâu cũng vậy. Trong vòng đấu bảng, đội tuyển Uruguay chỉ gặp một đội Pháp đang nội chiến tam bành, còn Paraguay thì gặp một Italia đã quá già nua. Vận may ấy rõ ràng đã giúp lộ trình của Uruguay và Paraguay êm xuôi hơn...
Hưng Nguyên
Nói đi cũng phải nói lại ...Cần phải như vậy, bởi dẫu là các đội Nam Mỹ đang có thành tích ấn tượng, nhưng cũng nên lưu ý rằng chưa một đội Nam Mỹ nào thắng được đối thủ có thứ bậc cao hơn họ trên bảng xếp hạng của FIFA. Uruguay (hạng 16) hòa Pháp (9); thắng Mexico (17), Nam Phi (83) và Hàn Quốc (47). Paraguay (hạng 31) hoà Ý (5); thắng Slovakia (34) rồi lại hòa New Zealand (78) và Nhật Bản (45). Còn Chilê (hạng 18) thắng Thu ySĩ (24) và Honduras (38) nhưng thua Tây Ban Nha và Brazil. Chính vì thế, không nên vội vã kết luận bất cứ điều gì về triển vọng đăng quang của Nam Mỹ ở World Cup 2010. Cuộc đối đầu tay đôi giữa 3 cặp đấu Nam Mỹ - châu Âu trong vòng tứ kết có thể diễn biến khó lường. Đã vào đến đây thì chẳng có đội nào kém. N.Q |