Cơ hội liên kết sâu rộng và tăng năng lực cạnh tranh

Hãng AFP dẫn nhận định của các chuyên gia đánh giá, Kế hoạch tổng thể mới của ASEAN là một bước cần thiết để cải thiện hội nhập kinh tế, cho phép khu vực này cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi.

Ông Rizal Sukma, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Jakarta cho rằng, nhờ tăng cường liên kết, khối gồm 560 triệu dân này sẽ được giới đầu tư nhìn nhận như một thị trường thống nhất chứ không phải là từng quốc gia đơn lẻ. Những căng thẳng tiền tệ trên thế giới không được chính thức đưa vào chương trình nghị sự, song vấn đề này sẽ được thảo luận bên lề hội nghị.

Hãng Reuters cho biết, ASEAN đang tìm kiếm thiết lập một cộng đồng kinh tế kiểu EU vào năm 2015 và cụm từ sẽ được nhấn mạnh tại hội nghị là “kết nối” trong khối gồm 10 thành viên, nghĩa là tăng cường những liên kết về hạ tầng cơ sở, phối hợp các quy định quản lý thị trường và đẩy mạnh các mối tiếp xúc giữa người dân các nước.

Các đối tác Đông Á của ASEAN - Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - sẽ ủng hộ nỗ lực đó và tăng cường các biện pháp nhằm củng cố hai trụ cột tài chính của kế hoạch này - một mạng lưới các thỏa thuận trao đổi tiền tệ của khu vực và hàng loạt biện pháp nhằm phát triển thị trường trái phiếu nội địa vẫn còn non trẻ.

Callum Henderson, Trưởng bộ phận nghiên cứu hối đoái của ngân hàng Standard Chartered, nói: “Các nước này sẽ tìm cách thành lập một mặt trận chung, song không nhất thiết phải có các ưu tiên kinh tế giống nhau”.

Báo Indonesia, tờ Jakarta Post số ra ngày 25-10 đăng trên trang nhất bài viết của tác giả Abdul Khalik nhấn mạnh rằng việc làm sâu sắc và mở rộng liên kết trong khu vực sẽ củng cố vị thế của ASEAN là một trung tâm của vùng Đông Á.

Theo bài báo, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Hà Nội, các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận một kế hoạch tổng thể mới nhằm tăng cường quan hệ và xây dựng cơ sở hạ tầng mới, cho phép khối này gia tăng sức cạnh tranh.

“Kế hoạch tổng thể liên kết ASEAN” sẽ tập trung vào chiến lược dài hạn của khu vực nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, các quan hệ mang tính thể chế và quan hệ giữa nhân dân với nhân dân. Kế hoạch cũng đề xuất những chiến lược nhằm mở mang đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không, cùng những mạng lưới khác giữa các thành viên ASEAN nhằm giảm bớt sự chênh lệch kinh tế ở Đông Nam Á và giúp ASEAN đạt được mục tiêu trở thành một cộng đồng kinh tế vào năm 2015.

Vụ Trưởng Vụ ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia Djauhari Oratmangun cho biết kế hoạch tổng thể kêu gọi tập trung nỗ lực nhằm cải thiện liên kết khu vực trong ba lĩnh vực: liên kết về vật chất như giao thông và cơ sở hạ tầng ICT, liên kết về thể chế như tự do hóa buôn bán và đầu tư và liên kết nhân dân với nhân dân như du lịch và giáo dục. 

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục