Cơ hội nào với trái phiếu Vietcombank?

ĐỒNG ĐEN
Cơ hội nào với trái phiếu Vietcombank?

Ngày 15-12 này, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có cơ hội mua trái phiếu chuyển đổi loại kỳ hạn 7 năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Điểm nổi bật là trái phiếu này có thể chuyển thành cổ phiếu khi Vietcombank cổ phần hóa (CPH), dự kiến vào nửa cuối năm 2006 đến đầu năm 2007.

Cơ hội nào với trái phiếu Vietcombank? ảnh 1

Trên 800 nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần lần đầu của Vitaco tại TTGDCK TPHCM.

Vietcombank (VCB) là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Vốn chủ sở hữu hiện có ước khoảng 9.000 tỷ đồng. Báo cáo hàng năm năm 2004 của VCB công bố lãi ròng hợp nhất là 954 tỷ đồng, tổng tài sản trị giá 121 ngàn tỷ đồng. VCB cho biết đã chiếm 55% thị phần thẻ, 29% thị phần thanh toán quốc tế, gần 20% thị phần huy động vốn và trên 10% thị phần tín dụng ở Việt Nam.

Trong những năm tới, VCB sẽ liên tục tăng vốn và phát triển thành tập đoàn tài chính đa năng, tốc độ tăng trưởng tài sản khoảng 15%/năm. Bên cạnh các công ty trực thuộc hiện có là Công ty chứng khoán, Công ty cho thuê tài chính, Công ty quản lý và khai thác tài sản, Công ty tài chính tại Hồng Kông, VCB nhanh chóng triển khai thành lập các Công ty quản lý quỹ đầu tư, Công ty bảo hiểm nhân thọ, Công ty tài chính và chuyển tiền nước ngoài, các chi nhánh tại Singapore, Mỹ, Anh…

Tuy nhiên, VCB cũng còn nhiều vấn đề rất phức tạp như việc đánh giá tài sản, các khoản dự phòng và nợ xấu… Đặc biệt là các quan hệ kinh doanh chưa tách biệt rõ ràng với quan hệ quản lý Nhà nước, có nhiều khoản cho vay theo chỉ đạo và còn vướng xử lý nợ quá hạn… Để khắc phục, VCB thuê một tổ chức nước ngoài định giá lại doanh nghiệp trước khi CPH và bán đấu giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, mức lãi của VCB - dù đã tăng rất cao trong những năm gần đây - nhưng cũng chỉ dự kiến khoảng 11% - 12% vốn chủ sở hữu vào những năm tới.

Một vấn đề khác: Đối với việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu sau này của VCB, cho đến nay, các nhà đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi cổ phiếu của VCB đang chưa rõ tỷ lệ chuyển đổi và cũng không thấy có ưu đãi gì so với người tham gia đấu giá cổ phiếu sau này.

Theo giới đầu tư cho biết, nhiều khả năng mức giá đấu giá của VCB sẽ khá cao do các tổ chức nước ngoài tranh mua để thâm nhập thị trường Việt Nam. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư trái phiếu nếu chuyển đổi cũng khó bán lại cho nước ngoài với giá cao hơn mức giá đấu giá, vì tỷ lệ sở hữu của nước ngoài hiện vẫn còn giới hạn là 30%. Nếu như không đồng ý với mức giá đấu giá và không chuyển đổi, nhà đầu tư sẽ mất quyền chuyển đổi và mắc kẹt với trái phiếu lãi suất thấp trong suốt các năm còn lại cho đến khi đáo hạn.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là lãi suất của trái phiếu chuyển đổi sẽ do phiên đấu thầu giữa các nhà đầu tư tổ chức vào sáng ngày 14-12 quyết định, nhưng với mức trần được ấn định là 8,5%/năm. Mức lãi suất này khá thấp nếu so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 năm của một ngân hàng khác là 9,36%/năm. Tính ra, vào thời điểm chuyển đổi dự kiến khoảng một năm sau, tiền lãi chênh lệch giữa 2 mức lãi suất là 860.000 đồng cho khoản đầu tư 100 triệu đồng. Và nếu như không chuyển đổi được, mức chênh lệch tiền lãi trong thời gian 7 năm sẽ hơn 6 triệu đồng, tức là tương ứng với 6,02%.

Với những rủi ro không nên coi thường như vậy, trước khi đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của VCB, nhà đầu tư cần xem xét cân nhắc các lựa chọn thay thế một cách phù hợp. Nhà đầu tư có thể tham dự đấu giá trực tiếp cổ phần VCB vào năm tới, sau khi có đầy đủ thông tin về việc đánh giá tài sản của VCB. Hoặc cũng có thể chờ khi cổ phiếu VCB niêm yết rồi mới mua, hay có thể mua lại trái phiếu chuyển đổi VCB này trên sàn niêm yết trước khi tổ chức đấu giá cổ phần.

ĐỒNG ĐEN

Mua trái phiếu VCB, nhà đầu tư nên lưu ý:

- Đọc kỹ và hiểu rõ các điều khoản trong bản Quy định về trái phiếu tăng vốn VCB năm 2005.

- Trái phiếu này không được thanh toán trước hạn, không được cầm cố tại VCB. Việc chuyển nhượng trái phiếu trước khi niêm yết tại TTGDCK TPHCM thông qua Công ty Chứng khoán VCB, nhưng mức phí không rõ.

- Sau khi niêm yết, nhà đầu tư muốn chuyển nhượng trái phiếu phải đặt lệnh mua bán thông qua các công ty chứng khoán với mức phí khoản 0,1% - 0,3% tùy công ty. Thời gian dự kiến niêm yết trong năm 2006.

- Trong trường hợp thanh lý VCB, chủ sở hữu trái phiếu chỉ được thanh toán sau các chủ nợ khác.

- VCB có quyền ngừng trả lãi và chuyển lãi sang năm sau nếu việc trả lãi làm cho kết quả kinh doanh bị thua lỗ. Khi chuyển đổi trái phiếu phải “tuân thủ” nguyên tắc cá nhân không sở hữu quá 5% vốn điều lệ…

- Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm thông tin tại hội sở và các chi nhánh VCB hoặc theo địa chỉ website: www.vcbs.com.vn/vietnam/vcb.asp, www.vietcombank.com.vn

Tin cùng chuyên mục