Cơ hội phá băng?

ĐỖ  CAO

Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã khiến không ít nhà đầu tư bất an bởi những khoản tiền đã rót vào Nga. Tuy nhiên, tạp chí uy tín của Mỹ Forbes vừa cho đăng tải bài viết nhận định việc tham gia cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông của Mátxcơva không những không ảnh hưởng đến nền kinh tế mà thậm chí có tác động ngược lại.

Ngoài việc ngăn ngừa mối họa khủng bố đe dọa an ninh Nga từ xa, Mátxcơva tham gia không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn bởi Syria có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng với Nga. Và dường như, theo Giáo sư Abbas Karaagashly, khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Giresun Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria đang cho thấy sự hiệu quả khi nhiều cơ sở của IS tại Syria bị phá hủy, nhiều phần tử cực đoan đang tìm đường tháo chạy khỏi quốc gia Trung Đông. Những thành công bước đầu tại Syria có thể sẽ mở ra hướng đi cho quan hệ Nga và châu Âu, khu vực đang phải điên đầu với nạn di cư. Hôm 24-10 vừa qua, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu là hiện thân mối đe dọa nghiêm trọng đối với Liên minh châu Âu (EU), đến mức cơ chế này có thể bị tan rã.

Giới quan sát nhận định để giải quyết được tận gốc nạn di cư hiện nay, không có cách nào khác phải giải quyết các vấn đề của người di cư ở quê hương của họ. Phần lớn người di cư ồ ạt đến châu Âu thời gian qua là những người chạy trốn khỏi xung đột ở khu vực Trung Đông, trong đó có Syria. Vì thế, tình hình đã thay đổi. Nga đang nắm lợi thế và châu Âu có thể sẽ phải thỏa hiệp, cùng Nga giải quyết cái gốc vấn đề ở Syria.

Ngoài vấn đề về di cư, không ít quốc gia phương Tây còn đang cảm thấy mệt mỏi vì các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, một đối tác thương mại lớn của châu Âu. Martin Charmoy, Giám đốc Prosperity Capital Management, một quỹ đầu tư có trụ sở tại London (Anh) cho hay muốn gia hạn trừng phạt Mátxcơva thêm 6 tháng nữa, EU phải có được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đã có ít nhất 6 thành viên của EU, trong đó có Italia và Áo, tỏ thái độ dứt khoát không ủng hộ việc kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. “Cùng với những diễn biến tại Syria, đây có thể sẽ là thời điểm châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt dành cho Nga. Tôi đang nghiêng nhiều về khả năng lệnh trừng phạt có thể chấm dứt vào tháng 1-2016”, ông Charmoy nói.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Duma quốc gia ngày 19-10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Vedev cho biết, khủng hoảng kinh tế tại Nga đã vượt qua đáy từ hồi tháng 6 và tháng 7.  Ngoài ra, GDP  trong tháng 9 đã tăng 0,3% so với tháng trước đó.

Theo ông Vedev, trong quý 4 năm nay, các chỉ số kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện. Theo Forbes, đây cũng là một trong những lý do mà nhiều công ty đa quốc gia vẫn kỳ vọng vào thị trường Nga và tiếp tục rót vốn. Với việc nhiều quốc gia trong EU đang nản lòng bởi chính sách trừng phạt kinh tế Mátxcơva, các nhà đầu tư hy vọng cuộc đối đầu giữa Nga và châu Âu sẽ sớm hạ nhiệt, các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ sớm được dỡ bỏ để họ sớm được quay lại với một thị trường đầy tiềm năng.

ĐỖ  CAO

Tin cùng chuyên mục