Chương trình CEEP

Cơ hội tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp

Cơ hội tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp

Sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 12-7 đăng bài “Cơ hội tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp”, nhiều bạn đọc đã liên hệ muốn tìm hiểu rõ hơn nội dung của Chương trình Tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm (viết tắt là CEEP) cũng như cơ hội được nhận nguồn tài trợ từ chương trình này. Chúng tôi đã trao đổi với bà NGUYỄN NGỌC KIỀU LINH, phụ trách dự án CEEP tại Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TPHCM.

Cơ hội tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp ảnh 1

- PV: Xin bà cho biết rõ hơn về nội dung Chương trình CEEP?

- Bà NGUYỄN NGỌC KIỀU LINH:
Bộ Công nghiệp thực hiện dự án Quản lý nhu cầu điện và TKNL trong 4 năm (2004-2008) với tổng quỹ đầu tư là 7,32 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Chương trình CEEP là hợp phần thứ hai của dự án trên. Trọng tâm của chương trình là hỗ trợ các nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ TKNL để nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi kinh doanh của họ với những đơn vị sử dụng năng lượng theo những mô hình kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

- Cụ thể mục tiêu của chương trình CEEP là gì?

- Mục tiêu của chương trình nhằm khuyến khích đầu tư dự án cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; hỗ trợ và thử nghiệm các mô hình kinh doanh TKNL; thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào TKNL; chú trọng các giải pháp TKNL đơn giản, điển hình và có tính nhân rộng; khuyến khích trong nước cạnh tranh về cung cấp dịch vụ TKNL; xây dựng hệ thống đào tạo và tài trợ thông thoáng; hỗ trợ nhưng không làm biến dạng thị trường dịch vụ. Riêng tại địa bàn TP HCM, Trung tâm TKNL sẽ xây dựng thử nghiệm các cơ chế, mô hình kinh doanh TKNL nhằm làm giảm lượng điện tiêu thụ trong sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, phấn đấu giảm lượng điện tiêu thụ khoảng 13.171 MWh/năm.

- Điều kiện nào để doanh nghiệp có thể tham gia vào chương trình CEEP?

- Trước hết, doanh nghiệp phải thuộc một trong những đối tượng là các khách sạn, tòa nhà văn phòng, các đơn vị dịch vụ, thương mại và công nghiệp… đang sử dụng năng lượng. Mặt khác, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như đang hoạt động (những doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động không thuộc đối tượng được phê duyệt thực hiện và nhận hỗ trợ của chương trình này), doanh nghiệp phải có tiềm năng tiêu thụ điện trung bình hoặc lớn (thông qua kiểm toán sơ bộ do Trung tâm TKNL thực hiện và có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và có nhu cầu đầu tư nâng cao việc sử dụng tiết kiệm điện; khả năng đầu tư thực hiện dự án TKNL tối thiểu của doanh nghiệp là 10.000 USD nhưng không vượt quá 200.000 USD.

Bảng quy định mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia chương trình CEEP.
Bảng quy định mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia chương trình CEEP.

- Khi tham gia chương trình CEEP, doanh nghiệp sẽ có được những lợi ích gì?

- Doanh nghiệp có cơ hội tiết kiệm được chi phí sản xuất nhờ cắt giảm từ 15%-40% chi phí sử dụng điện, nhất là những doanh nghiệp thuộc các ngành như gạch ngói, gốm sứ, dệt may, chế biến thực phẩm, giấy. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và tài chính. Doanh nghiệp sẽ được Trung tâm TKNL TPHCM hỗ trợ thực hiện đánh giá sơ bộ tiềm năng của doanh nghiệp để nắm tình hình sử dụng điện của doanh nghiệp; kiểm toán năng lượng chi tiết nhằm xác định những lĩnh vực sử dụng điện lãng phí và tìm ra những giải pháp TKNL phù hợp nhất; báo cáo nghiên cứu khả thi về hiệu quả sử dụng năng lượng; báo cáo nghiên cứu đầu tư để được phê duyệt tham gia dự án… Ban quản lý dự án có chính sách hỗ trợ các mức khác nhau tương ứng với 3 giai đoạn: hỗ trợ từ 24%-40% vốn đầu tư nếu doanh nghiệp nộp báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 30-9-2006; giảm 25%/mức hỗ trợ năm 2006 nếu nộp trước ngày 30-9-2007; giảm thêm 50%/mức hỗ trợ năm 2006 nếu nộp trước ngày 31-6-2008. (Xem chi tiết trong bảng kèm theo).

Mọi chi tiết liên quan đến dự án, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố. Điện thoại: 9322372. 

CHÂU ANH - TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục