Ngày mai 12-6, vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á năm 2005 sẽ chính thức khai mạc bằng trận đấu Việt Nam – Philippines trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Sau khi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quyết định phân nhóm các đội bóng nữ trong khu vực thì 4 nước phát triển là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nghiễm nhiên giành 4 suất vào thẳng VCK Giải vô địch châu Á năm 2006. 12 đội còn lại sẽ thi đấu tranh 4 suất còn lại tại vòng loại (diễn ra từ ngày 12 đến 24-6 tại Hà Nội). Có thể nói, với mục tiêu khẳng định vị trí thống soái tại đấu trường Đông Nam Á và bắt đầu tiếp cận với trình độ châu Á, giải đấu này được coi là một cơ hội tốt cho bóng đá nữ Việt Nam.

Tiền vệ Kim Hồng (23, VN) trong trận gặp Philippines tại giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á lần 1- 2004.
Chuẩn bị cho giải đấu này, đội tuyển nữ quốc gia có 2 người lãnh đạo mới: Trưởng đoàn Nguyễn Xuân Thái và HLV trưởng Trần Ngọc Thái Tuấn. Trong số 20 tuyển thủ nữ tham dự giải, có rất nhiều các cầu thủ sinh vào các năm 1982, 1983 và 1984. Sau khi thế hệ vàng lần lượt giải nghệ và các cầu thủ trẻ được rèn giũa tại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á lần 1 tại TPHCM vào năm 2004 cộng thêm 5 trận du đấu mới đây tại Đài Loan, các cầu thủ trẻ hiện nay đã trưởng thành lên nhiều và được giới chuyên môn đánh giá khá tốt, nhất là kinh nghiệm thi đấu.
Những Kim Hồng, Hồng Tiến, Tuyết Mai, Từ Thị Phụ sẽ cùng với Văn Thị Thanh, Kim Chi, Mai Lan, Bùi Thị Tuyết sẽ là nòng cốt để thực hiện mục tiêu: lọt vào vòng bán kết, qua đó giành quyền vào VCK châu Á năm sau và tích lũy kinh nghiệm, tạo tiền đề cho việc bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 23 cuối năm nay. Do có đến 2/3 đội mỗi bảng lọt vào vòng tứ kết nên dù chung bảng với đối thủ khó chơi Myanmar, nhưng các cầu thủ Việt Nam chỉ cần thắng “đàn em” Phillippines là đã có thể đặt chân vào vòng trong. Đối thủ tại vòng tứ kết nhiều khả năng sẽ là Uzbekistan hoặc Hong Kong cũng không quá mạnh.
Tuy nhiên, trận đấu với Myanmar ngày 16-6 mới là “liều thuốc thử” thật sự cho các học trò của ông Thái Tuấn nếu biết rằng đội bóng của HLV U Aye Mayung đã gây ra biết bao khó khăn cho chúng ta tại 2 trận chung kết SEA Games 22 và Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á lần 1. Với 7 cựu binh dày dạn kinh nghiệm và hàng loạt các cầu thủ trẻ với tinh thần và khát vọng chiến đấu cao, đặc biệt là lối chơi thiên về thể lực luôn kỵ giơ với Việt Nam, Myanmar sẽ không chỉ gây khó dễ cho ĐTVN tại giải lần này mà có lẽ cả trong SEA Games 23 sắp tới. Những đội bóng mạnh khác của giải như Hong Kong, Đài Loan, Uzbekistan, Thái Lan và Ấn Độ cũng mang đến giải với sự pha trộn của các cựu binh và tân binh. Sau khi vòng bảng kết thúc, 4 trận đấu loại trực tiếp ở vòng tứ kết sẽ hứa hẹn những cuộc tranh tài cân bằng và quyết liệt.
Liên quan đến công tác tổ chức giải, có thể thấy do không tìm được nhà tài trợ nên VFF sẽ phải bù lỗ cho giải đấu, dự kiến khoảng gần 100.000 USD. Đó là đã kể đến nguồn thu “hẻo” từ vé bán có 10.000 đồng/chiếc và xin giảm giá thuê sân Mỹ Đình. Như vậy, số tiền vừa thu được từ Honda Cup 2005 đã phải chi toàn bộ để bù lỗ cho giải đấu này.
Tuy nhiên, bù lại Việt Nam có cơ hội cho các cầu thủ cọ xát đồng thời làm tăng uy tín của bóng đá Việt Nam trong con mắt của AFC. Vấn đề làm đau đầu các nhà tổ chức và có thể coi là không thể có giải pháp tháo gỡ, đó chính là khán giả. Do V-League và giải hạng Nhất vẫn đang diễn ra đồng thời người hâm mộ vẫn chưa quan tâm nhiều đến bóng đá nữ nên số lượng khán giả đến cổ vũ cho giải đấu được dự đoán sẽ chỉ “lọt thỏm” trên sân Mỹ Đình. Theo dự kiến, VTV3 sẽ truyền hình trực tiếp các trận có ĐTVN thi đấu.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, AFC cuối cùng đã “xiêu lòng” khi VFF “ra sức thuyết phục”. Ngày 10-6, Tổng thư ký AFC Peter Velappan đã có văn bản đồng ý với chủ nhà Việt Nam về việc: vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á – 2005 sẽ chỉ diễn ra đến hết vòng tứ kết để chọn 4 đội bóng cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên vào chơi VCK bóng đá nữ châu Á năm 2006 tại Nhật Bản. Hủy bỏ các trận bán kết, tranh hạng ba và chung kết vào các ngày 22 và 24-6. Như vậy, với động thái này, xem ra VFF đã được AFC “cứu cho một bàn thua trông thấy”, đỡ mất thêm khoảng 500 triệu đồng chi phí ăn ở đi lại của các đội bóng, quan chức và trọng tài cũng như chi phí sân bãi, tiền nhân công...
Danh sách đăng ký của ĐTQG bóng đá nữ tại vòng loại Giải vô địch châu Á gồm: Trưởng đoàn Nguyễn Xuân Thái; HLV trưởng Trần Ngọc Thái Tuấn; 3 trợ lý HLV - Vũ Bá Đông, Trần Đỗ Quang, Nguyễn Thị Kim Hồng; 2 thủ môn - Đặng Kiều Trinh, Lê Tuyết Mai (TPHCM); 7 hậu vệ - Vũ Thị Ánh (Hà Nam), Vũ Thị Hậu (Thái Nguyên), Bùi Thị Tuyết (Than Cửa Ông), Vũ Thị Tân, Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội), Nguyễn Thị Duyên, Trần Thị Kim Hồng (TPHCM); 7 tiền vệ – Văn Thị Thanh, Nguyễn Thị Hương (Hà Nam), Đỗ Ngọc Châm, Từ Thị Phụ (Hà Nội), Nguyễn Thị Mai Lan (Than Cửa Ông), Đoàn Thị Kim Chi (TPHCM), Nguyễn Minh Nguyệt (Hà Tây); 4 tiền đạo – Lê Thị Hiền (Than Cửa Ông), Lê Thị Oanh (Hà Tây), Bùi Tuyết Mai (Hà Nội), Đỗ Hồng Tiến (TPHCM).
AN HƯNG