- Em học khá môn sinh và rất yêu quý các con vật nên muốn thi vào ngành thú y của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhưng em không biết nên học ngành bác sĩ thú y hay dược thú y. Xin báo cho em biết hai ngành này đào tạo những gì và khi ra trường em có thể xin việc ở đâu? (hanhlehooang_00@..., Hoàng Lê Hạnh, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM)
Với chuyên ngành bác sĩ thú y, sinh viên sẽ học chuyên sâu về bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh chuyên biệt), về ngoại khoa - giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản…
Với chuyên ngành dược thú y, ngoài kiến thức căn bản liên quan đến bệnh học đại cương hoặc chuyên biệt, sinh viên sẽ chuyên sâu học tập và nghiên cứu về hóa dược, dược lý học, dược lực học, dược liệu học, dược lâm sàng, bào chế dược phẩm, ngộ độc dược phẩm, kiểm nghiệm dược phẩm, độc chất học, pháp chế về dược thú y...
Thời gian đào tạo của hai chuyên ngành này là 5 năm. Việc làm sau khi tốt nghiệp: Bác sĩ thú y có thể làm việc tại cơ quan thú y (cục, viện nghiên cứu, chi cục thú y tỉnh, trạm thú y quận huyện), tại các phòng mạch hoặc bệnh xá (hay bệnh viện) thú y, phòng xét nghiệm thú y khoa, các hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên, cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường, viện chuyên ngành. Bác sĩ thú y chuyên ngành dược, ngoài công tác tại cơ quan thú y từ trung ương đến địa phương, còn có thể cộng tác hay phối hợp nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thuốc với các viện (hãng, cơ sở) bào chế các hóa chất, thuốc, biệt dược, vaccine phòng chống bệnh đặc hiệu hay công tác tại các bệnh viện (bệnh xá) thú y hoặc các cửa hàng chuyên doanh dược thú y.
- Cho em hỏi việc liên thông giữa các bậc học là thế nào? Nếu em tốt nghiệp cao đẳng, bằng phương thức nào em có thể hoàn chỉnh kiến thức bậc ĐH? (Một số HS Trường THPT Trần Quốc Tuấn, phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quãng Ngãi)
Theo Quyết định số 06/2009/QĐ-BGD-ĐT ngày 13-2-2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành “Quy định về đào tạo liên thông”. ĐTLT là quá trình cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác hoặc trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo. ĐTLT là quá trình đào tạo đương nhiên giữa các bậc học, tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo sự thông thoáng, hợp lý.
Như vậy, nếu muốn hoàn chỉnh kiến thức, sau khi tốt nghiệp cao đẳng hay THCN loại khá, sinh viên sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình cần phải có thời gian làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo từ một năm trở lên mới được thi tuyển.
Thời gian ĐTLT từ trình độ THCN lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học không dưới 1,5 năm và không quá 2 năm; đối với người có bằng TCCN có ít nhất 3 năm công tác gắn với chuyên môn đào tạo, thời gian ĐTLT từ trình độ THCN lên ĐH (cùng ngành) từ 2,5 đến 4 năm.
- Em học lớp 12 ở Trường THPT Tương Dương 2 (Nghệ An), em được hưởng ưu tiên mấy điểm khi thi ĐH? (tuanhuynh9209@...)
Nếu em học suốt 3 năm cấp 3 ở Trường THPT Tương Dương 2 xã Tam Quan huyện Tương Dương thuộc KV1 thì em được hưởng 1,5 điểm ưu tiên khi thi ĐH, CĐ.
BAN KHOA GIÁO