Những chiến thắng đáng khích lệ đã đến với đội tuyển Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn, bắt đầu từ chiến dịch vòng loại Olympic mà chúng ta đã từng không có mấy hy vọng. Và từ chỗ chúng ta lo ngại cho những cuộc chơi tốn kém, đội bóng mà ông Riedl là thuyền trưởng đã đạt được những bước tiến đáng kể trên con đường nâng cấp trình độ của bóng đá quốc gia.

Tất nhiên, khi những khán đài trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vẫn còn trống trải, khi niềm tin vẫn được đặt trong sự cẩn trọng thì chúng ta cũng chớ vội vui rằng đã tạo nên một đẳng cấp thật sự để tái lập các chiến thắng kiểu như 3-0 trước Jamaica, 5-3 trước Bahrain một cách thường xuyên. Tuy vậy, cũng nên mừng vì ít nhất, đội tuyển đã làm hơn được một chữ "dám".
Nếu xét trên chữ dám ấy thì bàn gỡ hòa 1-1 trong trận thắng Bahrain đáng được xem là một thành tựu của đội tuyển Việt Nam. Đấy là một pha phản công mẫu mực, rất ít chạm và quan trọng hơn, sự vận hành để đi đến bàn thắng là hoàn hảo. Bóng được phát động từ lưng chừng sân nhà, tiền vệ Tài Em đưa bóng đến nửa phần sân đối phương, chuyền sang cánh phải. Người nhận bóng là Văn Nhiên và cú tạt nhanh của anh ngay sau đó đã đặt Công Vinh vào một tư thế đẹp để lắc đầu đưa bóng vào ngay góc chết. Trước đó, xem cách Tấn Tài chạy chỗ với Văn Nhiên rồi Công Vinh lẻn từ phía sau lên đón quả chuyền cũng như có đến 6 cầu thủ Việt Nam tham gia pha tấn công ấy để thấy sự vận hành của tuyến trên đã có được sự nhuần nhuyễn đáng khen. Có thể nói, hàng phòng ngự Bahrain hoàn toàn bất ngờ khi không nghĩ đến việc các cầu thủ chủ nhà tấn công và ghi bàn nhanh đến thế. Nhanh đến mức, cầu thủ đứng trước Công Vinh không nhảy lên tranh chấp vì không ngờ Vinh đã lẻn ngay giữa anh ta và một hậu vệ Bahrain khác để tung cú lắc đầu hiểm hóc.
Chữ dám thứ 2 nằm ở pha làm bàn thứ 3 và thứ 4. Cú sút của Mai Tiến Thành ghi bàn có "công lớn" của thủ môn đội bạn nhưng rõ ràng, xem cách Thành tung cú sút thì đấy là một pha sút xa chủ định. Anh chàng hậu vệ Thanh Hóa này vốn đã từng ghi 2 bàn tại V-League trong màu áo Thanh Hóa bằng các cú sút tầm xa như vậy. Lâu nay, đội tuyển Việt Nam vốn dị ứng với các pha ghi bàn từ tuyến hai. Vấn đề ấy, phần nào được giải quyết vì sau bàn thắng có phần may mắn của Thành là một cú sút của một hậu vệ cánh khác là Phùng Văn Nhiên. Thay vì tạt bóng, Nhiên dẫn bóng từ biên vào, đột phá qua 2 hậu vệ để tung cú sút thuận chân cực mạnh buộc thủ môn đội bạn ói bóng ra và Thanh Bình tiếp cận nhanh chóng ghi bàn.
Hai chữ dám đó dẫn đến chữ dám thứ 3 nằm ở bàn thắng thứ 2 của Công Vinh. Cú ập vào nhanh chóng của Vinh khiến thủ môn đội bạn lúng túng và phát bóng thẳng vào người tiền đạo này để bóng bật lại và Vinh có bàn thắng từ nỗ lực cá nhân của mình. Nói là nỗ lực cá nhân, nhưng đấy cũng là một thứ thay đổi lớn về tư duy chơi bóng ở cầu thủ Việt Nam. Trước đây, ít khi nào các cầu thủ Việt Nam theo bóng trong những tình huống tương tự. Ngay như trong trận đấu đó, Thanh Bình nhiều lần bỏ bóng sau các pha tấn công không thành. Trường hợp của Công Vinh cho thấy cách nghĩ của các cầu thủ đã khác: bóng còn lăn là còn tích cực tranh bóng.
***
Nói dông dài về các tình huống trong trận thắng Bahrain để thấy rằng, trước một đối thủ mạnh, chúng ta đã thắng nhờ rất nhiều chữ dám. Chiến thắng trước Bahrain hoặc trước Jamaica tất nhiên cũng còn nhiều thứ để bàn liên quan đến thực lực của đội bạn, nhưng rất rõ ràng: thay vì lo ngại tên tuổi của đối thủ đến mức tự ti, co cụm thì bây giờ, đội tuyển Việt Nam sẵn sàng chơi thứ bóng đá mạnh mẽ nhất, có tính chiến thuật và để lại nhiều toan tính hợp lý nhất. Trong khi sự lỏng lẻo ở cặp trung vệ lẫn vị trí thủ môn thật ra chỉ là một hậu quả của việc dám áp dụng một lối chơi đôi công với đối phương. Trong một trận giao hữu, khi đối thủ "mời" chúng ta đã đôi công thì khó có thể bảo hàng phòng ngự phải chắc chắn được. Thế trận nào, có cách chơi và sự rủi ro ấy.
Dám tấn công một đội bóng được đánh giá mạnh hơn mình, lại bị dẫn bàn trước đã là thành công. Dám tấn công và... dám ghi bàn vào là thành công thứ 2. Các tình huống ghi bàn đa dạng, không cứng nhắc vào miếng đánh quen thuộc là vỗ biên, lật bóng cũng là một thành công thứ 3.
Hai thành công đầu thuộc về các cầu thủ mà chúng tôi tin rằng có công lớn của ông Mai Đức Chung. Thành công thứ 3 có lẽ là thuộc về Alfred Riedl, vị thuyền trưởng đã nhiều lần run tay trước sóng lớn cuối cùng cũng đã chấp nhận một cuộc phiêu lưu về lối chơi. Muộn hay không, có tiếp tục lối chơi ấy ở Asian Cup không, chưa quan trọng. Quan trọng là đội tuyển đã chơi khác, đã dám nhiều hơn trước.
Có lẽ, trong công cuộc cải tổ ấy, thời gian mà ông Mai Đức Chung cầm quân đóng một vai trò quan trọng. Nếu đúng thế, hy vọng VFF sẽ dám làm những điều thay đổi hơn nữa...
VIỆT TÂM

