Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại nghị định này và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (giấy chứng nhận), có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cụ thể: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Kho chứa, cơ sở xay, xát nói trên phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gồm có: đơn đề nghị; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư; bản chính bản kê kho chứa, bản chính bản kê cơ sở xay, xát đã được sở công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận theo quy định tại nghị định này.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương xem xét, cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận có thời hạn hiệu lực là 05 năm kể từ ngày cấp. Khi giấy chứng nhận hết hiệu lực, thương nhân phải đề nghị cấp giấy chứng nhận mới để được tiếp tục xuất khẩu gạo. Thương nhân sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận nếu không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục, trừ trường hợp đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM