Tản văn:

Có một bến sông

Xe dừng lại trước bến sông. Dòng Krông Knô ươm đỏ cắt ngang chiều Đam Rông như chiếc thắt lưng dài xéo xuống vùng đất rừng le. Thật hiếm có một bến sông như thế còn sót lại giữa thời đại cầu nối nhịp cầu. Một chiếc bè ván chứa khoảng 4 đến 5 chiếc xe Honda và cỡ chục người khách với đủ loại bao tải, nông cụ… Người đàn bà vạm vỡ, có lẽ là chủ bè gồng tay kéo chiếc dây thừng giăng ngang con sông độ 30m, tạo một đường cong theo dòng chảy nương vào bờ. Người chèo phụ chống sào cố đưa bè vào đúng mép bến có kê mấy bậc đá cho dễ lên xuống. Thế là đôi bờ thông thương…

Bên kia là tỉnh Đắc Nông, bên này là Lâm Đồng. Từ chỗ qua sông đến thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắc Nông còn khoảng 35km theo lời kể của những người dân qua bến này. Vì thế có thể nói dòng Krông Knô là ranh giới Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc.

Krông Knô là sông chồng, Krông Ana là sông vợ theo truyền thuyết của người bản địa. Sông đến đây đã chia tay nhau, để mỗi người xuôi theo dòng chảy của mình. Ngẫm sông cứ gặp nhau là chia tay, cứ chia tay là gặp lại trong vòng quay không ngưng nghỉ của đất trời. Con người chúng ta lại có khi đi biền biệt, chẳng thủy chung được như nước, như bến, như sông… Nhưng con người thấy được dòng nước đa tình, mới đặt tên sông là sông vợ, sông chồng, dẫu có phụ bạc vẫn còn cái nghĩa cho đời.

Dòng Krông Knô trôi êm như thì thầm với chúng tôi bao nỗi thăng trầm, dâu bể. Đó là tiếng nói của bà mẹ núi xương xẩu gồ ghề, hay tiếng hát của nàng sơn nữ ấm trầm du dương và tha thiết kể về chuyện tình trên nương dưới rẫy. Hai mùa nắng mưa, con sông là tiếng nói chân thực. Có thể sông sẽ giận dữ vì ai đó phá rừng, có thể sông sẽ sụp lở vì con người khai thác quá mức. Và bao giờ sông cũng là nơi dừng chân của con người, làng mạc dựng lên, tên đất tên làng cứ thế xanh tươi.

Trên sông là bao mảnh đời phiêu dạt, vai nặng bao bắp bao đậu, vai nặng bao cà phê… cố vun quén cho mảnh đời ở vùng đất mới đổi thay. Lại có kẻ giang hồ phạm pháp, sa cơ lỡ bước dòng sông sẽ bồi đắp nếu biết hối cải làm ăn. Cuộc di cư nhiều nhất vẫn là những bản Mông, họ góp thêm bản sắc vào vùng này, nhưng cũng mang theo không ít khó khăn hệ lụy.

Chúng tôi đi vào bản, nơi định cư được chính quyền địa phương ổn định. Một không khí heo hút, mặc dù nơi đây là chưa heo hút lắm. Nhà nhà đóng cửa đi làm. Thỉnh thoảng mới có một vài người đàn bà mặc váy đỏ, địu con đi qua. Trường học có vài ba cô giáo là người Thanh Hóa, Hải Phòng vào cao nguyên dạy học. Hàng ngày họ phải vượt qua một ngọn đồi, một con suối để đến lớp. Bây giờ điều khó khăn không còn là vật chất mà khó khăn là học trò chưa thạo tiếng Kinh.

Dòng Krông Knô réo gọi bao số phận, bao cuộc đời, bao cách mưu sinh. Chạnh nhớ dòng sông này không có tuổi thơ, bởi ai đến đây cũng đã “nửa chừng xuân”, đã thấm mồ hôi cái vạc, cái cò… Không thấy cảnh trẻ con nhảy ùm xuống nước bơi thi. Nước luôn chảy xiết cho cuộc bơi đời người phải vượt qua bao nợ nần cơm áo và bao thứ phiền phức của cuộc sống bận rộn này.

Chợt nhớ ở lớp học vùng sâu mà chúng tôi mới ghé chân qua, có vài bức tranh của những học trò nhỏ vẽ cảnh vượt sông, những buồng chuối trên con thuyền có sóng nhấp nhô. Một thoáng xem tranh hay xem người ẩn trong nét vẽ thô sơ kia, mà họa sĩ trong đoàn có kẻ phải giật mình chiêm nghiệm, và bật lời khen vì nét vẽ thô nhưng lại thực đẹp vì hồn vía của sông nước thả vào đây. Tôi đã bỏ đâu đó những ngày phố thị ồn ào, xe cộ cuốn đi như mắc cửi, và bỏ đi bao áp lực đè nặng từng giờ để hít thở và thả tầm mắt ngắm sông lang thang.

Thật ra ở thời buổi này, tìm được một bến sông, một mảnh bè ghép ván với những con người đã dừng lại cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để lập nghiệp là một điều ít thấy và không dễ gặp.

Đam Rông, một huyện mới và cả những cuộc đời mới như ánh mặt trời le lói sau những vừng mây hừng sáng…

Nguyễn Thánh Ngã

Tin cùng chuyên mục