Khi mùa thu đến, tiếng trống ếch, trống cơm rộn rã cũng là lúc vầng trăng tháng tám dát bạc xuống trần gian. Tuổi thơ nô nức, tuổi yêu thì tha thiết, tuổi già thì day dứt nhớ nhung vầng trăng quá khứ. Dù muốn dù không, thời gian vẫn trôi đi trong lặng lẽ. Riêng tôi, bao mùa rồi tôi tập thu mình nhỏ lại, để nghe những khúc hát Trung thu nho nhỏ, dưới ánh trăng xinh xinh. Nhờ vậy, có khi dưới ánh trăng vàng, tôi chỉ là chú bé con, ngồi hát í ơi bên cái trống ếch bập bung, bập bung…
Người nhạc sĩ, nhà thơ viết về Trung thu cũng vì lòng nuối tiếc. Họ bày tỏ sự yêu thương đối với tuổi nhỏ của cuộc đời mình, đời người. Đúng là những thời khắc “tiếng trống và ánh trăng” trôi qua không thể nào quay lại được. Hãy yêu thương tuổi nhỏ đẹp như vầng trăng Trung thu, là thông điệp của mọi thời. Tuy nhiên, với cuộc sống ngày càng nghiêng về vật chất, thì việc tìm lại một vầng trăng yêu thương là rất khó. Nếu vầng trăng là tâm hồn của tuổi thơ, thì chúng ta là những chiếc đèn lồng được các em rước đi dưới vầng trăng ấy. Tuổi nhỏ của chúng ta có khi thấy đèn mà không thấy trăng.
Vì thế, việc chỉ lên bầu trời một vầng trăng vành vạnh, đẹp đẽ, trong sáng, bao la mà gần gụi yêu thương là việc của người lớn nên làm. Cho nên, câu chuyện cổ tích về chú Cuội ngồi gốc cây đa, đã nuôi lớn bao tâm hồn Việt bên lũy tre làng. Hôm nay, chú Cuội vẫn còn đi vào đời sống, nhưng đã mờ nhạt dần bên những chiếc lồng đèn điện tử, những cỗ bánh hiện đại đắt tiền (chưa chắc đã ngon), dành cho việc biếu xén nhiều hơn là dành cho thiếu nhi tình yêu thương.
Hôm nay, động đất, sóng thần và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chúng ta. Hôm nay, nạn chặt phá rừng, săn bắt thú hoang, đã trở thành tiếng còi báo động trên toàn thế giới. Hạn hán, bão lũ luôn là kết quả của việc con người khai thác thiên nhiên bừa bãi. Tất cả là vì lòng tham vô đáy của con người. Hôm nay, đứng dưới vầng trăng sáng tỏ này, con người nghĩ gì? Ngày xưa, người ta ước bay lên Cung Hằng, thì hôm nay đã thực hiện được.
Ngày xưa, người ta tự cảm thấy hổ thẹn cả khi đổ một chiếc gạt tàn dưới ánh trăng trong veo, thì hôm nay người ta đổ cả một núi rác, người ta xả hàng ngàn mét khối nước ô nhiễm xuống lòng sông. Con người hôm nay không còn biết xấu hổ như người xưa nữa. Trước một vầng trăng tuyệt đẹp, thánh thiện không ai dám làm việc gì xấu xa, dù chỉ là rất nhỏ! Ngày xưa, chú Cuội đã vì nói dối, vì lười biếng mà đành ôm hận ngàn thu dưới gốc đa! Ngày nay, không có câu chuyện hiện đại nào “tầm cỡ chú Cuội” để dạy cho các em, nên đành phải nói cuội rằng “bắc thang lên hỏi ông trời”…
Nhưng không cần phải hỏi. Càng hiện đại bao nhiêu, con người càng nhớ cổ tích bấy nhiêu. Đó là quy luật. Có điều, vầng trăng mấy ngàn năm vẫn thế, chỉ có chúng ta là thay đổi, chứ tình yêu của vầng trăng dành cho chúng ta vẫn không hề thay đổi. Vì vậy, tôi luôn là một chú bé con, ngồi hát í ơi bên cái trống bập bung xanh đỏ, hay đi tung tăng dưới ánh trăng vàng óng. Để làm gì vậy?
Trong cảm xúc bao la của vũ trụ, một đứa bé sẽ bồn chồn một cách kỳ lạ khi đón chờ cuộc rước đèn, rồng rắn lên mây. Trong ánh tơ vàng, trong làn gió mát, đứa trẻ không biết giải thích làm sao cái rung động, nhưng nhất định nó cảm nhận được niềm khoan khoái hồn nhiên của đất trời. Cái lồng đèn mà đứa bé yêu quý, chính là yêu quý tình cảm mà cha mẹ, anh em yêu thương dành cho nó. Và ngọn đèn trong mắt trẻ, là thứ ánh sáng lung linh tuyệt đẹp, sẽ dẫn dắt đầu óc non nớt sau này tìm đến với ánh sáng tri thức. Và chiếc bánh là bữa tiệc trần gian, mà đượm vẻ thần tiên nhất, ăn một miếng đó thôi, nhưng vị giác sẽ nhắc nhớ suốt đời. Đó là tình mẹ bao dung, tình cha độ lượng, tình xóm giềng non nước trao gởi, gói ghém vào chiếc bánh đơn sơ…
Đấy cũng chính là quê hương. Quê hương dạy chúng ta biết bao điều mật ngọt, “Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi” (*) là vậy đó. Thử hỏi lớn khôn rồi, ai không nhớ nhung, luyến tiếc? Nhưng thời gian là vậy, luôn có một vầng trăng yêu thương biết chờ đợi mỗi chúng ta trong cuộc du hành của đời người. Và mùa thu sẽ đọng lại trong tiếng trống ếch, trống cơm dập dồn, rộn rã…
NGUYỄN THÁNH NGÃ
(*) thơ Đỗ Trung Quân.