Các chuyên gia cho rằng, điều này là không nên. Bởi vì, đặc thù của vay tiêu dùng là nhiều sản phẩm khác nhau, nên không thể áp dụng chung một mẫu hợp đồng cho tất cả các sản phẩm. Hợp đồng mẫu chỉ nên thống nhất bao hàm một số điểm cơ bản như: quyền và trách nhiệm của mỗi Bên để làm cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp say này.
Theo ThS. Trần Ngọc, chuyên gia tài chính-ngân hàng, phần lớn những phàn nàn trên chủ yếu đến từ một số khách hàng đặc thù, đó là lúc đầu đã được tư vấn viên thông tin đầy đủ cũng như yêu cầu đọc kỹ các điều khoản nêu trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi không trả được nợ, hoặc vì lý do nào đó, khách hàng nói không hiểu đã ký gì và cho rằng đã bị ép buộc phải trả lãi suất quá cao…
Chung quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nói: “Mức lãi suất cao hay thấp đều đã được đề rõ trong hợp đồng, khi đã đặt bút ký hợp đồng vay vốn, khách hàng phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình; không nên đổ lỗi cho công ty tài chính (CTTC) là không thông tin hay tư vấn. Quyền vay hay không vay là hoàn toàn của khách hàng, không CTTC nào có thể cầm tay bắt khách hàng ký hợp đồng được cả”.
Khảo sát do Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương công bố mới đây cho thấy, có tới 80% số vụ khiếu kiện về quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến vấn đề tài chính tiêu dùng. Trong đó, có rất nhiều trường hợp vay tiêu dùng trả góp nhưng không xem xét kỹ hợp đồng, cuối cùng phải chịu mức lãi suất cao và dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán.
Ngày 20/8/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 35/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TT ngày 13/1/2012 về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Thống kê mới nhất từ Cục Quản lý Cạnh tranh, trong nửa đầu năm 2016, có khoảng 590 hồ sơ về phát hành thẻ ghi nợ, vay tiêu dùng gửi đến Cục để đăng ký hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, có tới 380 hồ sơ trong số đó không được chấp nhận, chiếm khoảng 65%. Tính đến nay, Cục chỉ mới chấp nhận khoảng 100 hồ sơ.
Phân trần vấn đề trên, đại diện một tổ chức tài chính chia sẻ, việc đăng ký mẫu hợp đồng đang gây rất nhiều khó khăn và tốn kém cho chúng tôi, bởi quy định yêu cầu mẫu hợp đồng bắt buộc phải thể hiện rõ ràng, không được ghi một cách chung chung. “Sự can thiệp hành chính này đi ngược lại với nguyên tắc thị trường và không phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các cam kết quốc tế về cải cách hệ thống ngân hàng”, đại diện này nói.
“Quy định “cứng” một mẫu hợp đồng chung cho các CTTC là không khả thi”, nhấn mạnh điều này, giới chuyên gia cho rằng: Đặc thù của vay tiêu dùng là nhiều sản phẩm khác nhau, cho nên không thể áp dụng chung một mẫu hợp đồng cho tất cả các sản phẩm. Hợp đồng mẫu chỉ nên thống nhất bao hàm một số điểm cơ bản như: quyền và trách nhiệm của mỗi Bên để làm cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp say này.
Muốn thị trường tài chính tiêu dùng hoạt động một cách minh bạch và lành mạnh hơn, cần thiết phải có sự thay đổi đồng bộ cả về mặt quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, lẫn kiến thức người tiêu dùng, không nên chỉ dừng lại ở việc quy định “cứng” một mẫu hợp đồng chung.
Theo đó, về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan lập pháp cần phải rà soát các văn bản chi phối hoạt động tín dụng tiêu dùng sao cho phù hợp; trong trường hợp có vấn đề cần phải có biện pháp sửa đổi. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải coi người tiêu dùng là một trong những thành tố quan trọng đóng vai trò vào việc tạo ra lợi nhuận cho mình.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị: Các tổ chức tín dụng nên kết hợp với các nhà sản xuất để tạo thành một chuỗi cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng nhằm tránh vay để chi sai mục đích. Thông qua các dịch vụ kỹ thuật, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể kiểm tra lại việc sử dụng thiết bị đã mua; đồng thời hỗ trợ cho việc quản lý khoản vay sau khi đã giải ngân, kiểm tra, nhắc nhở khách hàng trả nợ…
Bản thân cán bộ tín dụng cũng phải chủ động gắn mình vào đời sống tiêu dùng, có như vậy mới cảm nhận và đưa ra được cho khách hàng những giải pháp hiệu quả nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng phải vươn tới trình độ vừa cho vay, vừa tư vấn tiêu dùng cho khách hàng. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ hạn chế được rủi ro trong kinh doanh, còn bản thân khách hàng cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi vay tiêu dùng.
Các chuyên gia tài chính cũng khuyên rằng, khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái, “có làm thì có chịu”, khi đã quyết định đặt bút ký hợp đồng vay tiêu dùng thì phải tự chịu trách nhiệm với khoản vay. Bởi lẽ, về mặt pháp lý, đây là những thỏa thuận dân sự mà CTTC là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành ngân hàng. Theo đó, các CTTC có quyền thỏa thuận về mức lãi suất cho vay tiêu dùng với từng khách hàng, từng sản phẩm. Mỗi hợp đồng vay được ký giữa CTTC và khách hàng là một thỏa thuận với sự tự nguyện của khách hàng, khi chọn sản phẩm vay phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả.
“Ngoài việc nhân viên tư vấn giúp khách hàng chọn được gói vay phù hợp thì mọi quyết định vay đều phụ thuộc vào quyết định của khách hàng. Do vậy, để tránh những vướng mắc về sau, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức tài chính cũng như quản lý chi tiêu tài chính”, một chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Nguyễn Lan