Hậu trường thể thao thế giới

Có nên “bắn tốc độ” ở Marathon ?

Vào Chủ nhật 5-11, giải marathon New York sẽ diễn ra nhưng một vấn đề gây tranh luận đã bùng lên trước đó: VĐV chạy đường trường có cần “đua tốc độ” để về đích trước tiên?

Đối với các thế hệ chạy đường trường trước đây, marathon thuần túy là cuộc đua “nước bền”, người chiến thắng vẫn duy trì tốc độ như các VĐV khác vốn “oải” lúc cuối cuộc chạy nên bị tụt lại phía sau. Nhưng ở cuộc đua 42 km New York 2005 đã có một kết thúc đầy hồi hộp và cho thấy có lẽ các tay chạy marathon cũng cần có đua tốc độ khi về gần đến đích: Năm ngoái, nam VĐV Paul Tergat người Keyna chỉ về đích trước Hendrick Ramaala (Nam Phi) đúng 1 giây (2 giờ 09 phút 30 so với 2 giờ 09 phút 31).

Trưởng ban tổ chức giải Mary Wittenberg nói: “Ngày nay, dân chạy marathon đỉnh cao phải luyện được cú đua tốc độ chứ nhà vô địch không thể là người có sức bền như trước nữa”. Abdi Abdirahman (Mỹ, về đích hạng 5 giải năm ngoái) cũng đồng ý: “nếu còn cách đích 800m thì bạn cần phải có sức mạnh và độ nhanh để vượt lên khỏi các đối thủ”.

Nhưng Bill Rodgers (Mỹ, 4 lần vô địch giải New York và 4 lần giải Boston từ năm 1975 đến 1980) lại cho rằng không cần cú nước rút: “Nó là vũ khí của một tay chạy marathon nhưng không phải là chủ lực. Marathon vẫn là môn thể thao của sức mạnh và nói chung, nhà vô địch là người tung sức ngay từ đầu đến lúc kết thúc”.

Thật ra, ngày nay dân marathon nhà nghề đều tập cú đua tốc độ về đích ở các đường piste, sau khi đã tập sức bền và sức mạnh bằng những cuộc chạy đường trường mỗi tuần. Liên tục tập chạy nhanh ở những khoảng cách ngắn sẽ giúp tạo được vận tốc cần thiết cho một cuộc đua tốc độ. Không ai tin vào cú dốc tốc độ cho bằng Gezahegne Abera (Ethiopia): Thắng đối thủ gần nhất chỉ 1, 2, 3 giây tại một giải ở Nhật Bản năm 1999, 2001 và 2002, hơn 1 giây tại một giải Anh năm 2003 và giải vô địch thế giới năm 2001.

TRUNG TRỰC

Tin cùng chuyên mục