Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có kiến nghị Chính phủ hạn chế nhập khẩu xăng dầu để bảo hộ tiêu thụ sản phẩm trong nước. Vậy nhưng nhiều công ty xăng dầu khác lại phản ứng quyết liệt trước kiến nghị này vì lo ngại độc quyền. Sự thật của chuyện này là gì?
Theo tính toán của PVN, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa tại thời điểm đó sẽ đạt khoảng 17.589.000m³. Trong đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 7.274.000m³/năm; Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 9.625.000m³/năm; 4 cơ sở pha chế xăng từ Condensate có tổng công suất 690.000m³/năm. Chưa kể, nếu một số dự án lọc hóa dầu khác như dự án Vũng Rô (Phú Yên), Victory ở Nhơn Hội (Bình Định) nếu hoàn thành đúng tiến độ, nguồn cung xăng dầu sẽ vượt xa nhu cầu, tạo ra áp lực giảm giá trên thị trường và khiến doanh thu của PVN giảm sút.
Trong khi đó, nếu tính toán nhu cầu thị trường nội địa, với tốc độ tăng trưởng nhu cầu dự kiến khoảng 3% năm, cả nước chỉ cần khoảng 17.329.000m³ xăng dầu các loại vào năm 2018. Như vậy, tổng cung từ hai nhà máy lọc dầu và các nguồn chế biến khác đã đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, riêng mặt hàng diesel sẽ dư thừa khoảng 849.000m³. Theo tính toán này, PVN cho rằng sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ hết sản phẩm từ hai nhà máy lọc hóa dầu, nhất là khi giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tiêu thụ xăng dầu nội địa sẽ không cạnh tranh được về giá với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường Việt Nam. Các công ty đầu mối sẽ chuộng xăng dầu nhập khẩu hơn do được hưởng thuế ưu đãi, nên giá tốt hơn.
Sau khi viện dẫn những khó khăn trên, PVN đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thay đổi cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu để thuận tiện trong việc bao tiêu tiêu thụ sản phẩm trong nước. Trong đó, sớm điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước, nhằm đảm bảo cho các nhà máy nguồn tiêu thụ để phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng.
Phản ứng trước những đề xuất “bất khả thi” của PVN, các công ty kinh doanh đầu mối xăng dầu tại TPHCM cho biết, nếu Chính phủ đồng ý với kiến nghị này, sẽ xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch do lúc này PVN “một mình một chợ”. “Nếu không được nhập khẩu xăng dầu, các công ty phân phối phải phụ thuộc nguồn cung duy nhất là PVN. Đến khi đó, trong trường hợp nguồn cung xăng dầu thiếu hụt do nhiều nguyên nhân như sự cố nhà máy, các thương nhân kinh doanh sẽ phải “lót tay” để được PVN cấp cho. Chưa kể, lúc này giá cả trên thị trường cũng sẽ tăng cao khiến người tiêu dùng chịu thiệt”, một cán bộ phụ trách kinh doanh Petrolimex Sài Gòn phân tích. Chưa kể, việc giá xăng dầu trong nước không thể giảm theo quy luật thị trường sẽ khiến các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chịu thiệt hại đầu tiên. Họ sẽ gặp khó trong việc cạnh tranh về giá với các đối thủ bên ngoài. Riêng người tiêu dùng phải chịu thiệt để trở thành các khoản lợi nhuận khủng cho PVN. Hơn nữa, nếu chấp nhận đề xuất hạn chế nhập khẩu của PVN, ngân sách nhà nước cũng chịu tác động bất lợi vì các khoản thuế phí liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ giảm theo quy mô hạn ngạch.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời điểm hiện nay, việc PVN đưa ra “yêu sách” trên đang đi ngược lại nỗ lực hướng đến thị trường cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời gia tăng tâm lý ỷ lại trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mỗi khi gặp khó khăn. Chưa kể, sự tréo ngoe của PVN là một mặt kiến nghị Chính phủ hạn chế nhập xăng dầu với lý do e ngại dư cung, nhưng lại muốn mở rộng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn là không có cơ sở lập luận chính đáng. Việc PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế nhập khẩu xăng dầu, trong đó có nguyên nhân trước đây đã cam kết với các nhà đầu tư khu lọc dầu Nghi Sơn sẽ bao tiêu sản phẩm, là việc rất khó thực hiện. Bởi chúng ta không thể làm trái các cam kết của các hiệp định FTA. Do đó, việc đưa ra các chính sách ưu đãi cho PVN sẽ đưa Việt Nam vào thế khó, thậm chí có thể bị kiện nếu vi phạm các hiệp định FTA đã ký kết. Do vậy, tốt nhất là lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn phải điều chỉnh giảm giá thành để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.
LẠC PHONG