Có nên lạc quan với bóng đá trẻ?

Cựu Trưởng đoàn bóng đá U-16 Việt Nam Nguyễn Hồng Thanh khi dẫn dắt đội tham dự vòng chung kết U-16 châu Á tại Đà Nẵng năm 2000 đã phát biểu: “Ở vạch xuất phát, bóng đá trẻ Việt Nam không thua kém quốc gia nào”.

Đấy là đội tuyển trẻ Việt Nam từng tạo nên cơn địa chấn châu Á với chiến thắng 3-2 trước Trung Quốc. Hôm qua, bóng đá Việt Nam lại tự hào với hai chiến tích: vô địch U-17 Đông Nam Á và vô địch giải học sinh châu Á.

Có nên lạc quan với bóng đá trẻ? ảnh 1

Phan Như Thuật (8) trong trận thắng Trung Quốc 3-2 ở VCK giải U16 châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hùng

1. Trong nhật ký của vị chuyên gia bóng đá khả kính Ngô Xuân Quýnh được công bố một phần sau ngày ông mất có “bật mí” sự kiện Bộ trưởng thể thao khi ấy đòi kiện đội U-16 Oman gian lận tuổi (đội bóng đã thắng đậm Việt Nam ở bán kết).

Tuy nhiên, khi ấy Bộ trưởng được ông Quýnh tư vấn rất thật rằng “Người ta gian lận thật đấy nhưng đừng kiện cáo làm chi nữa vì nói thật, đội mình cũng có một số em quá tuổi. AFC mà mang các đội ra đo xương tìm tuổi thì thiệt ít lợi nhiều…”. Lời tâm sự rất thật ấy khiến Bộ trưởng không còn nuôi ý định kiện Oman gian lận về tuổi nữa.

Đấy là một sự thật của 6 năm trước mà sau này những nhà làm bóng đá Việt Nam chôn mãi trong lòng. Sự thật ấy không phải do Liên đoàn muốn gian lận mà cái chính là cả tin vào tuyến dưới của các địa phương (nòng cốt là đội Nghệ An) và sau này các thành viên của Liên đoàn mới vỡ lẽ có sự gian lận.

Tuy nhiên phải thừa nhận lứa cầu thủ U-16 năm 2000 ấy có những đôi chân thật tinh như Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật hay Nguyễn Ánh Cường, Nguyễn Minh Đức, Phạm Đức Anh, Lâm Tấn...

Sáu năm sau, lứa cầu thủ ấy bây giờ đi đâu?

Quyến nổi lên quá sớm rồi cũng rớt quá nhanh trong khi Như Thuật, Minh Đức, Lâm Tấn, Đức Anh, Ánh Cường... vất vả với quá trình trưởng thành và hội nhập của mình.

Cái nền của U-16 bấy giờ có những cầu thủ quá tuổi chơi ở cái sân chơi trẻ và có thành tích cao nhưng rồi lên lớp lớn hơn, khả năng phát triển lại bị hạn chế rất nhiều bởi chúng ta chưa có một kế hoạch phát triển đồng bộ. Những cầu thủ may mắn được duy trì ở các lứa U theo lứa tuổi còn có cơ hội phát triển nhưng những cầu thủ khác khi về địa phương bị đào thải rất nhanh bởi thiếu môi trường phát triển và thiếu thầy kèm cặp phát triển tài năng.

2. Một năm sau chiến tích vang dội của bóng đá U-16 Việt Nam, thành phần ấy tham dự sân chơi U-17 Đông Nam Á tại Campuchia (vòng loại) và Thái Lan (vòng trong) nhưng cả hai lần gặp Lào, chúng ta đều thất bại.

HLV Nguyễn Văn Thịnh cũng là HLV đội U-16 Việt Nam một năm trước tâm sự: “Sau thành tích ở vòng chung kết U-16 châu Á, chúng ta không có sự đầu tư và nuôi dưỡng đúng mức. Các tuyển thủ về địa phương sinh hoạt cũng rất địa phương cho đến khi đá giải thì gom lại và thế là chúng ta gãy cả hai trận vòng ngoại lẫn bán kết trước Lào”. Ông Thịnh nói rất nhiều về những chuyến tập huấn và đầu tư hồi một năm trước, khi Việt Nam đăng cai vòng chung kết châu Á và so sánh với cái giải U-17 Đông Nam Á trên đất khách chẳng được quan tâm và thế là gieo gì gặt nấy.

Hóa ra chuyện đột biến ở vòng chung kết U-16 sáu năm trước là chuyện của nhiều yếu tố phụ tác động vào, trong đó mạnh mẽ nhất là đầu tư (vượt mức) và tinh thần.

3. Giải U-17 Đông Nam Á tại Nam Định được đánh giá là chúng ta có một thế hệ vàng thứ ba sau thế hệ Văn Quyến, Như Thuật… ngày nào.

Cái vàng ấy bị giảm sút phần nào khi ở trận cuối chúng ta lại thua Lào - đối thủ trước đó không biết thắng trong khi các cầu thủ trẻ Việt Nam lại vào cuộc với tư tưởng có thua cũng vô địch. Và chúng ta đã thua đến hai bàn trước những cầu thủ Lào khiến đêm đăng quang không trọn vẹn.

Bỏ qua chuyện thua Lào (lại là Lào) vì những yếu tố khách quan để trở lại với phần nổi mà những nhà chuyên môn đang mừng với vị trí xuất phát chúng ta không thua ai. Cái phần nổi ấy thường ít được duy trì sau khi được thừa nhận bởi nhiều lý do và hơn hết là do tất cả đã dồn cho đội tuyển nên tuyến dưới bị lỏng.

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam thường chỉ là ngắt ngọn với phần đội tuyển, trong khi phần gốc ở tuyến trẻ thường chỉ đọng lại trọng những giải đấu lớn trên sân nhà rồi quên lãng.

Lạc quan với thành tích của bóng đá trẻ là điều rất tốt bởi nó cho ta niềm tin, nhưng bàng quan với việc vun đắp cho lớp trẻ bằng những kế hoạch hời hợt lại là một cái tội.

Lâu nay, bóng đá trẻ Việt Nam thường hoang phí nhiều tài năng và “ăn theo” các địa phương nhiều hơn là xắn tay làm một cuộc cải cách đồng bộ.

Xuất phát điểm bóng đá trẻ Việt Nam rất tốt và điều ấy cần phải song hành cùng với chiến lược và một đường băng để bóng đá trẻ phát triển.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục