Có nên nuôi dưỡng trẻ em trong các trung tâm xã hội?

Liên tiếp các vụ trẻ em gái tố cáo nhân viên ở trung tâm hỗ trợ xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội (gọi tắt là trung tâm) có hành vi dâm ô, xâm hại tình dục đối với các em - những người đang được chăm sóc tại các trung tâm. Vậy thực tế việc chăm sóc trẻ em tại những trung tâm đang ra sao? Sau các vụ đầy tai tiếng, có nên duy trì mô hình cơ sở, trung tâm xã hội để nuôi dưỡng trẻ em một cách tập trung?

Còn nhiều thiếu thốn

Một trong 2 chức năng chính của Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM (Sở LĐTB-XH TPHCM) là tiếp nhận, quản lý giáo dục nuôi dưỡng và dạy nghề cho thiếu niên chưa ngoan, sống lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định, từ 8-16 tuổi. 

Tại những phòng sinh hoạt của trẻ vừa được tiếp nhận, từng nhóm trẻ tha thẩn ngồi chơi. Nét “đường phố” vẫn còn in đậm trên những bộ trang phục cũ nhàu nhiều vết bẩn, trong phòng đồ đạc rất đơn sơ. Lãnh đạo trung tâm cho biết, hiện nay trung tâm đang quản lý và nuôi dưỡng 103 trẻ, trong đó có 26 nữ.

Cuộc sống khó khăn, phải tự bươn chải để tồn tại, sớm va chạm với nhiều thành phần trong xã hội và trình độ học vấn thấp đã hình thành nơi các em sự ngang bướng, thiếu lễ phép, thiếu thành thật và luôn cảnh giác, đề phòng với mọi người xung quanh. 

Có nên nuôi dưỡng trẻ em trong các trung tâm xã hội? ảnh 1 Cơ sở vật chất thiếu thốn là một trong những khó khăn lớn ở Trung tâm Nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Ảnh: M.HOA
Khu lưu xá chia thành khu nam và khu nữ. Trung bình mỗi nhà bố trí 15-20 em, được trang bị ti vi, quạt máy, đèn, giường chiếu, hộc tủ. Trung tâm phân công trực gác 24/24 giờ, bố trí một cán bộ trực lãnh đạo và một đại diện ban giám đốc để kịp thời giải quyết mọi tình huống xảy ra trong ca trực.

Tại bộ phận bảo vệ, khách đến liên hệ công tác đều phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn có trẻ tự ý rời trung tâm. 

Trung tâm Nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm trẻ em, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp, trẻ em khuyết tật là đối tượng xin ăn không có nơi cư trú ổn định, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TPHCM.

Đến cuối tháng 8-2019, trung tâm nuôi dưỡng 203 trẻ, trong đó có 85 trẻ nữ, 147 em khuyết tật nặng, phần lớn là bị cha mẹ bỏ rơi từ bệnh viện (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ).

Trẻ ở đây cho đến khi tìm được cha mẹ, hoặc tới độ tuổi trên 16, nếu trẻ có công việc, cư trú thì cũng được cho ra hòa nhập cộng đồng; còn nếu không thì nuôi tới năm 22 tuổi. Hiện trung tâm còn nuôi nhiều em hơn 22 tuổi, là những em chậm phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết hiện nay một số hạng mục công trình, cơ sở vật chất của trung tâm sử dụng lâu ngày đã xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác thực hiện nhiệm vụ của trung tâm. Về kinh phí hoạt động của trung tâm, hiện ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 80% kinh phí, còn lại từ các nguồn từ thiện, ủng hộ.

Đảm bảo sự an toàn cho trẻ được nuôi dưỡng

Sau vụ án dâm ô trẻ em xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM đã triệu tập các trung tâm có nuôi dưỡng trẻ em để đánh giá thực trạng trẻ em bị xâm hại đang được nuôi dưỡng tại trung tâm; rà soát lại quy trình hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết sở yêu cầu các trung tâm thực hiện khẩn trương nhiều việc nhằm đảm bảo hơn sự an toàn cho trẻ. Cụ thể, các trung tâm xem xét lại việc bố trí nhân viên, khẩn trương bố trí, sắp xếp nhân viên nữ phụ trách các khu, các nhà, các phòng đang nuôi dưỡng trẻ em gái.

Đồng thời quan tâm, hỗ trợ và kết nối dịch vụ giúp trẻ em vượt qua khủng hoảng tâm lý. 18 trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội cũng lắp đặt thêm, hoàn chỉnh camera để giám sát kịp thời an toàn cho trẻ em và các đối tượng xã hội ở cơ sở. 

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết tại 18 trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố đang chăm sóc nuôi dưỡng hơn 6.000 người. Ngoài ra còn 60 tổ chức ngoài công lập nuôi dưỡng khoảng 3.000 người. Trẻ em ở các trung tâm, cơ sở bảo trợ thường thiếu sự chăm sóc của gia đình.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), đề nghị TPHCM cần đảm bảo thực hiện bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Trong đó, để phòng ngừa, cần tăng cường công tác giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở để kịp thời phát hiện, góp ý, chấn chỉnh những mặt chưa được.

Trong trường hợp xảy ra vụ việc đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay, không nên “ngâm” sự việc kéo dài cả chục ngày như vụ xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM vừa qua.

Với trách nhiệm của mình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM sẵn sàng thực hiện các hoạt động bảo vệ các em hoàn toàn miễn phí, từ khi tiếp nhận vụ việc đến quá trình tố tụng.

Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM cho biết, một số em có nguyện vọng muốn về gia đình nhưng người thân không đồng ý bảo lãnh dẫn đến tâm lý các em không ổn định, làm ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng và giáo dục các em nói riêng và tình hình an ninh trật tự của trung tâm nói chung. Hiện nay, công tác can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ hoặc trẻ bị xâm hại của thành phố ngày một nhiều, nhưng việc phối hợp giải quyết vấn đề đôi khi chưa kịp thời, kinh phí ngân sách chưa bố trí đảm bảo cho hoạt động này.

Tin cùng chuyên mục