(SGGPO).- Vài năm trở lại đây, thị trường sách dành cho người trẻ rất sôi nổi, song nhiều ý kiến cho rằng sách dành cho người trẻ đang “loạn” về chất lượng, lợi dụng pr, quảng cáo để bù lại nội dung tác phẩm thiếu chiều sâu. Thế nhưng, thử đặt câu hỏi ngược lại, độc giả ngày nay có dễ bị pr, quảng cáo lừa hết lần này qua lần khác?
Những tác giả trẻ được chú ý hiện nay phải kể đến là Iris Cao, Hamlet Trương, Vũ Phương Thanh (Gào), Phan Ý Yên… Một điều dễ thấy là tác phẩm của họ luôn bán chạy và bán chạy mặc dù giá thành cao. Có trường hợp tác giả có tổng số bản in đã phát hành trên thị trường lên đến khoảng 200.000.
Một buổi giao lưu ra mắt sách của một tác giả ăn khách
Trong khi đó, các tác phẩm của người viết đồng trang lứa được giới phê bình đánh giá cao lại có sức tiêu thụ ì ạch. Vấn đề nằm ở đâu? Đó phải chăng là “lỗi” của tác giả ăn khách? Hay ở chỗ chuyên nghiệp và không chuyên ngiệp trong nắm bắt phân khúc thị trường?
Nhiều ý kiến quy trách nhiệm rằng chính truyền thông phóng đại, nói quá tầm cỡ tác phẩm đã phần nhiều tiếp tay cho hiện trạng này. Nhưng công bằng mà nói, độc giả ngày nay đủ tỉnh táo trước truyền thông, họ có thể chọn nhầm một hai lần, nhưng làm sao có thể chọn nhầm mãi?
Đó là chưa kể các tác phẩm nào khi đến được với người đọc đều đã có giấy phép xuất bản. Việc quảng bá sản phẩm cũng không có gì là sai trái nếu không muốn nói đó là trách nhiệm của người viết, với mục đích cuối cùng là tiếp cận tốt người đọc. Chẳng qua, tác giả nào đã làm tốt việc đó mà thôi.
Trên thực tế, văn chương nước ngoài từ lâu đã có nhiều tác giả thành công với dòng sách đại chúng dành cho người trẻ. Bộ phận tác giả này chuyên nghiệp trong nắm bắt được nhu cầu độc giả và đáp ứng đúng nhu cầu đó nên trở thành tác giả bán chạy. Họ có thị trường riêng và hoạt động tốt ở phân khúc thị trường của mình. Hoàn toàn không phải ăn may theo truyền thông như nhiều người Việt đang cố công phân tích.
Một buổi ra mắt thu hút khá đông độc giả trẻ
Bạn Đỗ Thị Thanh Trà (Quận Thủ Đức, TPHCM), một độc giả của văn chương trẻ chia sẻ: “Tôi đọc sách của Anh Khang, Phan Ý Yên, Thiên Bình và một số ít tác giả trẻ khác nữa. Tôi thấy cảm xúc trong tác phẩm giống với cảm xúc của tôi, nhất là trong tình yêu. Và những cảm xúc đó không hời hợt”.
Rõ ràng, trên thị trường đang tồn tại hai dòng văn chương dành cho người trẻ. Đối tượng của dòng văn chương thiên về chiều sâu nghệ thuật khác với đối tượng của dòng văn chương phục vụ số đông công chúng. Và nếu số đông độc giả trẻ chọn dòng nào để tìm mua, tìm đọc đi chăng nữa thì rồi cũng đến lúc độc giả trẻ của hôm nay đủ trưởng thành để chọn những tác phẩm có tầm vóc hơn.
Vậy nên, không việc gì phải loay hoay tìm cách lý giải vì sao những quyển sách lại bán chạy, mà thay vào đó hãy làm tốt việc tiếp cận đúng đối tượng độc giả của mình.
LAM VĨNH