Đến thời điểm này, theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, quá trình cổ phần hóa các hãng phim nhà nước đã gần hoàn tất, đồng nghĩa với việc các hãng phim đã chuẩn bị có các “ông chủ mới”, trừ Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, đơn vị duy nhất được giữ lại hoạt động theo đơn vị sự nghiệp. Và ngày 27-4 tới, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chính thức đánh dấu sự biến mất của danh xưng hãng phim Nhà nước.
Những thay đổi căn bản
Tại TPHCM, có hai hãng phim đã và đang từng bước thực hiện việc cổ phần hóa một cách toàn diện, là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) và Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu).
Hãng phim Giải Phóng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ đầu năm 2014 và hoàn thành vào tháng 12-2015. Công ty cổ phần Phim Giải Phóng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1-2016.
Riêng quá trình cổ phần hóa Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu không gặp khó khăn gì, dù Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu là hãng phim nhà nước duy nhất của TPHCM, còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở (nhà xưởng và máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ) so với các hãng phim nhà nước khác, như Hãng phim Giải Phóng hay các hãng phim nhà nước ở Hà Nội.
Tuy nhiên, đạo diễn Mai Bằng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu lại có một thuận lợi là được sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy và UBND TPHCM. UBND TPHCM giao cho Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu có phương án củng cố toàn diện. Thời gian qua, chúng tôi đã hoàn thiện xong dự án củng cố toàn diện đối với sự góp ý, thẩm định của các ban ngành thành phố. Hiện nay, chúng tôi đang chờ quyết định của Thành ủy và UBND TPHCM”.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phim Giải Phóng cũng nhận định: “Quá trình thực hiện cổ phần hóa tại Hãng phim Giải Phóng rất thuận lợi và được sự hướng dẫn của các công ty tư vấn và sự chỉ đạo của các ban ngành thuộc Bộ VH-TT-DL hỗ trợ. Việc sản xuất phim hiện nay của hãng đang thuận lợi, ngoài việc thực hiện những phim do Nhà nước đặt hàng, chúng tôi đang hợp tác sản xuất phim với các nước như Hàn Quốc, Canada và đang chuẩn bị thực hiện dự án với một công ty tại Việt Nam, do Nhật Bản góp vốn”.
Trong khó khăn chung của nền điện ảnh cả nước, việc sản xuất phim của Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu có ít hơn so với trước kia, nhưng hãng vẫn sản xuất nhiều chương trình theo đơn đặt hàng, như: Chương trình Văn hóa thành phố (30 phút/tuần trên sóng HTV9); các đơn đặt hàng phim tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của TPHCM; Cục Điện ảnh đặt hàng chương trình băng hình miền núi, biên giới, hải đảo...
Dù việc cổ phần hóa đã đi vào quỹ đạo chung, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Hưng: “Vì đặc thù riêng của doanh nghiệp là sản xuất phim và các chương trình nghệ thuật, văn hóa nên tôi rất mong các đối tác mua cổ phần phải là những đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực này để chúng tôi có cơ hội phát triển ngành, chứ không mua cổ phần vì những mục đích khác!”. Còn đạo diễn Mai Bằng cũng cho rằng: “Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu không chỉ đề xuất mà còn thực sự ước vọng sẽ được thực hiện phương án củng cố toàn diện để chúng tôi có đủ thế và lực, vững tin bước vào cổ phần hóa mà vẫn giữ vững được truyền thống, duy trì và phát huy thương hiệu bằng những tác phẩm điện ảnh tham gia vào thị trường điện ảnh thành phố và cả nước”.
Người xem không quay lưng với phim Việt có chất lượng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lẫm chẫm tập đi
NSND Đào Bá Sơn chia sẻ: “Chúng ta vừa chứng kiến lễ trao giải Cánh diều vàng, cách đây vài tháng chúng ta cũng chứng kiến lễ trao giải Liên hoan phim Quốc gia lần thứ 19. Đây có lẽ là những lễ trao giải cuối cùng mà các MC còn xướng tên của một trong hai hãng phim sản xuất phim truyện lớn nhất nước của chúng ta đó là Hãng phim truyện Việt Nam. Cùng với Hãng phim Giải Phóng, đây là hai hãng phim đã làm nên diện mạo của nền điện ảnh cách mạng, làm nên lịch sử điện ảnh nước nhà từ kháng chiến chống Pháp tới kháng chiến chống Mỹ, rồi từ khi thống nhất đất nước ngày 30-4-1975 đến nay. Hàng ngàn bộ phim trong đó có hàng trăm tác phẩm xuất sắc đoạt hàng trăm giải thưởng của các liên hoan phim quốc tế và quốc gia. Nó được làm bởi hàng ngàn nghệ sĩ tên tuổi, bằng tài năng, tình yêu, tâm huyết và cả xương máu. Những tác phẩm đó khiến cho thế giới hiểu và biết thêm về Việt Nam, biết đến tinh thần bất khuất và anh hùng của một dân tộc trong chiến tranh và hòa bình; biết đến tâm hồn và văn hóa Việt. Hai hãng phim này có những ông chủ mới - những người bỏ tiền ra mua nó và sẽ được thay tên. Đây là việc tất yếu trong lộ trình hội nhập và phát triển điện ảnh thị trường”.
Cùng chia sẻ tâm tư này, NSND Thanh Vân khi được hỏi về tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào, còn làm phim nữa không khi mà cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy, nắm giữ 65% vốn điều lệ, cũng không giấu nổi sự lo lắng.
NSND Thanh Vân nói: “Với vị trí là cổ đông chính, họ có cam kết là sẽ sản xuất phim. Nhưng mức độ đầu tư vào làm phim như một xương sống, yếu tố chính hay chỉ là một mảng trong nhiều mảng kinh doanh thì cái đó phải sau khi thành lập hội đồng quản trị, mới định hướng con đường tương lai của hãng”.
NSND Thanh Vân thừa nhận rằng hãng phim từ trước chỉ chủ yếu sống nhờ bầu sữa bao cấp, giờ đây khi chuyển sang “chủ mới”, đương nhiên hãng cũng buộc phải dựa vào chính năng lực của mình, khai thác các kịch bản tốt, kịch bản hay và cạnh tranh sòng phẳng với các hãng khác.
NSND Thanh Vân nói thêm: “Trước đây, Hãng phim truyện Việt Nam cũng như Hãng phim Giải Phóng luôn có những thế mạnh, có năng lực trong sản xuất phim mang định hướng tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn. Vì thế, những phim thể loại này, chúng tôi thường được ưu ái khi phát hành ra rạp và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, dưới danh nghĩa của một công ty vận tải đường thủy thì mức ưu ái đó chắc sẽ bị giảm đi nhiều và lúc đó tự thân hãng phải có những đầu tư tốt về kỹ thuật, về con người cũng như kịch bản”.
Về lý thuyết là vậy, nhưng NSND Thanh Vân cũng không khỏi lo lắng. NSND Thanh Vân chia sẻ: “Thời điểm tới, tôi rất lo ngại bởi một hãng có bề dày sản xuất phim nhưng lại không có phần đầu là nhà sản xuất, không có phần đuôi là nhà phát hành. Một hãng phim tồn tại trên thế giới như Warner Bros, Universal... của Mỹ, họ đều hoạt động theo vòng khép kín. Có hệ thống rạp trên toàn thế giới, có nhà đầu tư lâu dài bởi truyền thống, danh tiếng. Nhưng với Hãng phim truyện Việt Nam thì chỉ có một khúc giữa - tức là sản xuất phim mà thôi. Phần đầu và phần đuôi, đặc biệt là phần phát hành chưa hề có nhân lực, có kinh nghiệm. Chúng tôi giống như một người to xác lẫm chẫm đi trên thị trường này. Đó là khó khăn trước mắt, nhìn thấy rõ. Tôi không biết bao nhiêu năm nữa thì hãng này mới có thể hòa nhập và sống mạnh khỏe với thị trường”.
| ||
MAI AN - NHƯ HOA