
Những khó khăn trước mắtTheo dự kiến, trong năm 2006, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sẽ bán cổ phần của mình ra thị trường. Để thực hiện điều đó, hiện nay, Vietcombank (VCB) đang triển khai một số công việc cấp bách trong tiến trình cổ phần hóa (CPH) là tiến hành kiểm kê phân loại tài sản và xử lý các vấn đề tài chính của mình trước khi tổ chức tư vấn CPH bắt tay vào xác định giá trị doanh nghiệp vào 31-12-2005.
Trong tháng 11, Vietcombank sẽ phải nhanh chóng hoàn tất việc hướng dẫn cho toàn hệ thống ngân hàng của mình về chủ trương và các văn bản pháp lý CPH. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kiểm kê phân loại tài sản và quyết định chọn thuê tổ chức quốc tế tư vấn CPH Vietcombank (bao gồm cả việc xác định giá trị doanh nghiệp, đánh giá hoạt động kinh doanh, xây dựng lộ trình tăng vốn, lựa chọn đối tác đầu tư chiến lược, phương thức phát hành cổ phiếu lần đầu của Vietcombank…).

Ngân hàng Vietcombank phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, cho đến nay, Vietcombank đang gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn tổ chức định giá, kể cả chuyện chi phí để thuê tổ chức quốc tế định giá bởi với mức 500 triệu đồng theo quy định sẽ khó có thể thuê được những tổ chức uy tín và có chuyên môn cao trên thế giới.
Chưa chọn được tổ chức định giá sẽ làm cho việc định giá Vietcombank tiến hành chậm trễ, dẫn đến không sớm xác định được thời điểm CPH và chưa thể phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, về thí điểm CPH Vietcombank thì năm 2006, VCB phải tiến hành phát hành cổ phiếu. Giờ đây, nếu không kịp thời có những biện pháp tháo gỡ vướng mắc, thời gian hoàn thành CPH Vietcombank sẽ kéo dài thêm và rất có thể đây sẽ là trường hợp CPH điển hình về sự chậm chạp trong khi việc thí điểm CPH Vietcombank có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì tiếp theo sau Vietcombank và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, một loạt đề án tăng vốn bằng con đường CPH của các ngân hàng quốc doanh khác đang được soạn thảo để trình Chính phủ, trong đó khởi động mạnh nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Về phương án phát hành trái phiếu, Vietcombank hiện đang cân nhắc giữa 3 phương thức: đấu giá, đăng ký với mệnh giá và lãi suất cố định hoặc đấu giá đối với pháp nhân theo lãi suất cố định và dành một phần bán cho thể nhân đăng ký với giá hình thành từ đấu giá. Phương thức cuối cùng có thể sẽ được lựa chọn vì được nhiều chuyên gia ngân hàng và cơ quan đổi mới doanh nghiệp ủng hộ.
Theo số liệu thu thập được, tính từ đầu năm đến cuối tháng 10-2005, Vietcombank đã đạt lợi nhuận trước thuế trên 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Tổng nguồn vốn của Vietcombank cũng đã đạt được hơn 130.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Năm 2005, dự báo hệ số an toàn vốn của Vietcombank sẽ tụt xuống dưới mức 5% và năm 2006 chỉ ở mức 4,2% - 4,3%, trong khi mức an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 8%.
Giới phân tích cho rằng với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản có vào khoảng 15%/năm, nếu vốn tự có không tăng hoặc tăng không tương xứng, thì hệ số an toàn vốn của Vietcombank sẽ giảm dần và ngày càng ở mức đáng lo ngại. Do đó, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu khi CPH sẽ giúp Vietcombank cải thiện hệ số an toàn vốn này.
Một vấn đề khác, việc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong điều hành hoạt động của Vietcombank, được thể hiện cụ thể là Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần của Vietcombank. Tỷ lệ này được coi là mức rất an toàn, nhưng có thể sẽ làm hạn chế việc chuyển giao kỹ thuật quản lý của các nhà đầu tư chiến lược bởi theo giới chuyên gia, muốn nâng cao năng lực quản lý của các ngân hàng trong nước, thì cần có tỷ lệ cao hơn của các cổ đông chiến lược là các ngân hàng lớn của nước ngoài, nếu không như vậy thì tác động về chuyển giao kỹ thuật và quản lý là rất kém.
ANH KHUÊ