Các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang đứng trước cơ hội lớn khi giá sản phẩm tăng cao trong thời điểm cuối năm cộng với sự biến động về tỷ giá USD/VNĐ theo hướng có lợi cho DN xuất khẩu. Đây là yếu tố khiến CP ngành thủy sản trở nên hấp dẫn hơn sau thời gian thất bát.
- Hưởng lợi kép
Quý IV là mùa tiêu thụ cao điểm của các sản phẩm thủy sản tại các nước phát triển do vào mùa lễ hội và khí hậu thuận lợi. Trong 9 tháng đầu năm, giá bán tôm sú tăng mạnh hơn tốc độ tăng của giá nguyên vật liệu do tình trạng thiếu cung tôm sú trên toàn thế giới. Giá tôm sú được đẩy lên tới 3USD/pound (loại 31-35 con tôm sú/pound) và 4,8 USD/pound (loại 21-25 con tôm sú/pound) và vẫn đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Sự cố tràn dầu trên vịnh Mexico là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu cung tôm đang dần được khắc phục và chỉ còn ảnh hưởng rất ít tới khu vực khai thác tôm ở đây. Điều này sẽ làm tăng lượng cung nhưng do thời gian này nhu cầu tôm cũng tăng mạnh nên giá tôm xuất khẩu vẫn được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Giá cá tra và cá basa xuất khẩu trong quý IV cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ do tình trạng thiếu cung và giá nguyên liệu tăng nhanh.
Với điều kiện thuận lợi như vậy, nên mặc dù khan hiếm nguyên liệu, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng nhiều DN thủy sản đã có tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế cao hơn so với cùng kỳ năm 2009. Nhiều DN đã có mức tăng trưởng trong quý III trên 100% như ACL, AGF. Thậm chí, không ít DN mới kết thúc quý III đã hoàn thành trên 90% kế hoạch năm 2010 như ABT (98%), MPC (93%), SJ1 (116%), TS4 (115%). Thực tế cho thấy các DN thủy sản đã rất thành công trong thời điểm cuối năm.
Trong khi các DN nhập khẩu đang điêu đứng vì tỷ giá USD/VNĐ, các DN xuất khẩu thủy sản lại đang hưởng lợi từ sự biến động này. Tỷ giá đóng vai trò quan trọng đối với các DN xuất khẩu thủy sản. Việc tỷ giá tăng từ 18.465 đồng/USD đầu năm 2010 lên mức 19.500 đồng/USD (giá niêm yết) như hiện nay đã làm lợi cho các DN xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 5% giá trị doanh thu. Hơn nữa, với giá USD trên thị trường tự do đang leo thang, dao động quanh 21.000 đồng/USD (tăng 7,7% so với mức giá niêm yết của NHNN và 13,59% so với đầu kỳ), lợi nhuận của các DN xuất khẩu thủy sản còn cao hơn. Việc VNĐ giảm giá mạnh sẽ làm lợi cho các DN xuất khẩu khi tăng doanh thu và tăng tỷ suất lợi nhuận (nếu giữ nguyên giá bán) hoặc tăng tính cạnh tranh của sản phẩm (nếu giảm giá bán).
- CP thủy sản đang hấp dẫn
Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2010, kết quả kinh doanh của ngành thủy sản phân hóa rõ ràng giữa các phân khúc thị trường và tiềm lực DN. Trong cùng một điều kiện, nguồn nguyên liệu thủy sản khan hiếm, giá nguyên liệu tăng lên, các DN chủ động được nguồn nguyên liệu vẫn có mức tăng trưởng tốt. Các DN không chủ động được nguồn nguyên liệu, cũng như không quản lý tốt các chi phí sẽ không có lãi. Vấn đề về nguồn cung nguyên liệu năm nay lại trở thành một trong những điều kiện quan trọng nhất quyết định kết quả kinh doanh của DN thủy sản. MPC sau 9 tháng đã sản xuất được 16.600 tấn tôm, lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 253,3 tỷ đồng. FMC đạt lợi nhuận sau thuế quý III 5,97 tỷ đồng (tăng 190% so với cùng kỳ năm 2009), trong đó lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đạt 31,11 tỷ đồng (tăng 176,5% so với cùng kỳ năm 2009).
Ngược lại, các DN xuất khẩu cá tra, cá basa lại gặp rất nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu tăng, đồng thời còn chịu mức thuế chống bán phá giá. Một số DN xuất khẩu cá tra, cá basa đã phải thông báo lỗ như BAS (lũy kế 9 tháng lỗ 7,5 tỷ đồng). Đối với các DN thiếu chủ động về nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng làm tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh. Mặc dù doanh thu quý III của ACL tăng 45,8% nhưng lợi nhuận lại giảm tới 64,7% so với cùng kỳ năm 2009. Ngay cả HVG, một trong những DN hàng đầu về xuất khẩu cá tra, cá basa với mô hình sản xuất khép kín, khả năng tự chủ nguyên liệu cao, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng cũng chỉ đạt được 50,9% kế hoạch.
Theo phân tích của CTCK SME, do đặc điểm của ngành thủy sản là không ổn định, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, rào cản gia nhập ngành thấp khiến CP ngành thủy sản đang bị định giá thấp hơn giá trị của nó. Thế nhưng mức P/E bình quân 7,6x hiện nay của ngành thủy sản đang thấp hơn nhiều so với P/E bình quân của thị trường là 11,4x, cho thấy CP ngành thủy sản đang rất hấp dẫn. Đặc biệt, với tính chất chu kỳ, quý IV được kỳ vọng sẽ là mùa lợi nhuận của các DN thủy sản, do đó triển vọng đầu tư vào nhóm CP này rất lớn. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, cùng với xu thế chung của thị trường, đa số CP thủy sản đều giảm rất sâu về vùng giá hấp dẫn, rất thích hợp đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn.
TRƯƠNG HẢI