Cổ phiếu vận tải biển - giai đoạn khó khăn

Hiện giá cước vận tải biển vẫn trong xu hướng giảm khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải biển gặp nhiều khó khăn. Đây là lý do khiến nhóm CP vận tải biển trở nên kém hấp dẫn, thậm chí bị khuyến nghị bán ra hàng loạt.

Hiện giá cước vận tải biển vẫn trong xu hướng giảm khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải biển gặp nhiều khó khăn. Đây là lý do khiến nhóm CP vận tải biển trở nên kém hấp dẫn, thậm chí bị khuyến nghị bán ra hàng loạt.

  • Khả năng lỗ trong quý IV

Ngành vận tải biển, nhất là vận tải hàng rời chịu áp lực lớn từ nhu cầu quặng sắt, than cốc của Trung Quốc và nhu cầu than đá của Ấn Độ. Hiện nay trên thế giới, quặng sắt và than (bao gồm than đá và than cốc) chiếm 2/3 tổng lượng hàng rời giao thương toàn cầu, những hàng hóa này được chuyên chở bằng tàu lớn (cỡ Panamax và Capesize). Trong khi đó, ngũ cốc là loại hàng rời được vận chuyển nhiều thứ 3 trên thế giới bằng tàu nhỏ hơn (cỡ Handysize và Handymax).

Ngoài ra, tàu Handysize và Handymax còn đảm nhận việc chuyên chở các loại hàng hóa khác như phân bón, đường, nông sản, xi măng… Do những mặt hàng này có nhu cầu ổn định hơn quặng sắt và than nên chỉ số giá cước của tàu Handysize và Handymax biến động ít hơn so với tàu Panamax hay Capesize. Tuy nhiên, đợt sụt giảm vừa rồi của chỉ số giá cước, tất cả cỡ tàu đã chặn đứng đà phục hồi giá cước. Nguyên nhân vì Trung Quốc đang cố gắng hạ nhiệt cho nền kinh tế, kéo theo nhu cầu các loại hàng hóa sụt giảm. Ngoài ra, những âu lo về tình hình kinh tế thế giới cũng hạn chế nhu cầu các loại hàng hóa.

Các DN vận tải biển trong nước (chủ yếu là đội tàu cỡ Handysize) nhìn chung vẫn theo sát diễn biến của tình hình thế giới. Tuy giá cước tàu Handysize không sụt giảm mạnh như tàu Panamax nhưng với tình hình giá cước Handysize như hiện nay, các DN trong ngành nhiều khả năng sẽ lỗ trong quý IV. Dự báo, tình hình chỉ có thể lạc quan từ quý III-2011, khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định hơn.

  • Khuyến nghị bán ra       

Phân tích của CTCK Sacombank (SBS), ngành vận tải biển hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều DN thua lỗ từ hoạt động chính. Những DN có hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh thì lợi nhuận cũng chỉ khiêm tốn. Nhìn chung thời điểm hiện tại chưa phải lúc đầu tư vào nhóm CP vận tải biển. Ngoài ra, NĐT cũng nên cân nhắc bán bớt một số mã CP không tốt, vẫn thua lỗ trong thời gian sắp tới. Cụ thể, SBS khuyến nghị bán ra 5 mã CP vận tải biển là DDM, MHC, VOS, VNA và VFR.

Với DDM, nhìn chung hoạt động chính chưa mang lại hiệu quả cao vì suất đầu tư các tàu tương đối lớn do DN mua tàu vào thời điểm đỉnh cao. Do đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của DDM rất thấp. Lũy kế 9 tháng, DDM đã lỗ 16 tỷ đồng. Hiện thị giá CP đã xuống mức rất thấp (dưới mệnh giá), khả năng không thể giảm sâu hơn nhưng DDM cũng khó bật lại khi ngành vận tải biển cũng như TTCK chưa phục hồi.

MHC là DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải container, vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2009 và chưa phục hồi trong năm 2010 (khác với vận tải hàng rời có những tháng phục hồi trong năm 2010). Do đó, hoạt động kinh doanh chính của MHC bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, năm ngoái, MHC bị lỗ ít do đã chuyển nhượng phần vốn góp (19,7% vốn điều lệ) tại tòa nhà Ocean Park cho Vinalines và thu được 82,7 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là trong năm 2010, MHC không còn khoản lợi nhuận đóng góp từ tòa nhà này cũng như khả năng bù đắp khoản lỗ từ hoạt động chính.

Cũng có lợi nhuận đột biến không từ hoạt động chính như MHC là VFR. Trong năm 2009, lợi nhuận của VFR chủ yếu đến từ việc thanh lý 365.000 CP của CTCP Hàng hóa Nội Bài với giá bình quân 53.430 đồng/CP. Trong quý IV, giá cho thuê tàu sẽ giảm, do đó lợi nhuận quý IV của VFR sẽ không khả quan vì ngoài hoạt động chính đang khó khăn, VFR không còn những khoản đột biến như năm 2009. Ngoài ra, các khoản vay bằng USD cũng sẽ tạo rủi ro tỷ giá cho VFR.

VNA là DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng rời, vốn khởi sắc trong quý II và III nhưng đang sụt giảm mạnh. Với điều kiện không mấy tích cực này, dự báo VNA sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng trong quý IV (lợi nhuận III quý của VNA đến chủ yếu từ việc thanh lý 3 tàu cũ).

Tương tự, trong năm 2010 VOS phải tiến hành thanh lý tàu cũ để tạo lợi nhuận do hoạt động kinh doanh chính bị lỗ. Nhìn chung hiệu quả kinh doanh của VOS không cao và CP VOS khó bật mạnh khi thị trường chung cũng như ngành vận tải biển khởi sắc trở lại.

TRƯƠNG HẢI

Tin cùng chuyên mục