Sau khi 2 đơn vị tài trợ NHĐÁ và Thép Pomina “giam” khoản tài trợ tiếp tục cho đội Đông Á vì những vụ việc tiêu cực liên quan đến các thành viên đội bóng vẫn còn nóng hổi thì mới đây, việc Công ty thiết bị văn phòng Sao Nam (nhà phân phối sản phẩm Konica Minolta tại Việt Nam), đơn vị tài trợ cho đội bóng sông Tiền trong những mùa bóng vừa qua đang đắn đo việc có tiếp tục hợp tác với đội bóng này trong mùa giải V-League 2006 cũng như những mùa bóng trong tương lai hay không, vô hình chung đã trở thành một quả bom chuẩn bị phát nổ trong làng cầu Việt Nam.
Nỗi lo lớn nhất của các đơn vị kinh tế tham gia bóng đá ở Việt Nam được hiểu rõ là do họ lo ngại “trúng độc” của hơi thở tiêu cực bởi cái chuyên nghiệp kiểu nửa vời của bóng đá Việt Nam.

Có khả năng mùa giải 2006, Konica Minolta sẽ không còn tài trợ cho đội bóng Tiền Giang.
Thường trong chiến lược kinh doanh, các đơn vị, các doanh nghiệp kinh tế đều tính đến phương án khuếch trương thương hiệu của mình. Hình thức quảng cáo trên truyền hình, bằng các panô quảng cáo tại các nơi công cộng tuy mang lại hiệu quả khá cao, nhưng việc thương hiệu của mình được xuất hiện thường xuyên trên áo của các cầu thủ, tại các sân cỏ thu hút đông đảo người xem và thường xuyên được truyền hình trực tiếp trong và ngoài nước có thể được xem là cách quảng bá rất hữu hiệu tại các nước phương Tây, nơi có nền bóng đá chuyên nghiệp nghiêm túc.
Còn ở Việt Nam, việc các đơn vị kinh tế tham gia bóng đá vẫn được xem là hiện tượng rất “mốt”, thậm chí có người cho là liều mạng, bởi lẽ không nói ra chắc ai cũng hiểu, bóng đá Việt Nam tuy đã tiến lên chuyên nửa thập niên, nhưng sự nhập nhằng trong cơ chế, cách làm, nếp nghĩ và cả những tiêu cực vốn tồn tại khá lâu của bóng đá nghiệp dư vẫn có đất sống, và sống khỏe là đằng khác.
Trong bối cảnh đó, việc các đơn vị này tham gia tài trợ các đội bóng Việt Nam không đơn thuần chỉ vì mục đích quảng bá thương hiệu của mình, bởi hơn ai hết, họ hiểu cái phức tạp của bóng đá Việt Nam hiện nay. Sự nể nang tỉnh nhà, lòng đam mê bóng đá mãnh liệt hay một lý do không dính dáng đến bóng đá hay quảng cáo là một thứ keo dính kết họ với các đội bóng. Thường thì trong các cuộc lương duyên này, tâm lý “chịu đấm ăn xôi” đã và đang là chất xúc tác níu kéo họ với bóng đá.
Quay lại phía đối tác của họ, thực trạng một số đội bóng tận dụng triệt để nguồn lực của họ để tính toán những ý đồ riêng nhằm tồn tại trong dòng chảy xiết của nền bóng đá Việt Nam. “Có tiền mua tiên cũng được”, họ tung tiền như nước để đạt được mục tiêu của mình. Không thắng nổi đối phương bằng chuyên môn, thì “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” khiến một số cầu thủ đối phương hay giới trọng tài đã phải “nhúng chàm”.
Trong bối cảnh đấy, những đội bóng “con nhà nghèo” như Delta Đồng Tháp vô hình chung lại là nạn nhân của thực trạng này. Nhiều người có tâm thường đắn đo suy ngẫm: “Các đội bóng, những người làm chuyên môn liệu có bao giờ suy nghĩ cách họ sử dụng tiền của nhà tài trợ có đúng chỗ và hợp lý hay không ?”. Quả thực, điều này khó, bởi lẽ nghệ thuật giải tỏa nguồn năng lực (tiền) của các đội bóng vẫn còn nhiều hạn chế và vẫn thiên về toan tính cá nhân chứ không theo kiểu “có qua có lại”. Thế đấy, những tiêu cực trong bóng đá Việt Nam đang bị cơ quan công an bóc gỡ có thể một phần phát xuất từ những tầm nhìn hạn chế như thế.
Tiền tỷ bỏ ra, các nhà tài trợ đã không được gì còn “tiền mất tật mang” và làm giảm uy tín thương hiệu. Xem ra, việc các nhà tài trợ xin rút lui như NHĐÁ, Thép Pomina hay Công ty thiết bị văn phòng Sao Nam đắn đo và phải xem xét khả năng có thể tiếp tục tài trợ nữa hay không, sẽ không còn là những trường hợp cá biệt trong tương lai nếu như ngay chính các đội bóng không thể thay đổi nếp nghĩ và cách làm một cách chuyên nghiệp và lành mạnh hơn.
“Có qua có lại mới toại lòng nhau”, đó mới chính là chất xúc tác phát huy mạnh mẽ chiến lược xã hội hóa của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, hy vọng từ những sự kiện nhiều nhà tài trợ tuyên bố có thể rút lui vừa qua sẽ ít nhiều thổi lại luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam vốn ảnh hưởng quá nhiều tư tưởng cũ rích và nhập nhằng.
PHẠM HÀ