Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 với nhiều điểm mới so với quy định cũ. Một trong những điểm nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là quy định tổ chức công đoàn là đại diện hợp pháp quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, có quyền khởi kiện hành vi vi phạm về pháp luật về bảo hiểm xã hội ra Tòa án nhân dân.
Theo quy định cũ trước đây của Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ có cơ quan Bảo hiểm xã hội mới có quyền và nghĩa vụ thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án nhân dân đối với chủ sử dụng lao động là các cơ quan, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc cố tình để nợ đọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Vai trò của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp chỉ mang tính chất đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong việc giám sát hoặc kiến nghị với chủ sử dụng lao động thực hiện việc đóng đầy đủ, kịp thời các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động…
Việc quy định và giao cho tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân đối với chủ doanh nghiệp sử dụng lao động về hành vi vi phạm pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội có thể thấy là một quy định phù hợp với tình hình mới, khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định kinh tế đa phương, song phương; nâng cao hơn nữa vị thế của các doanh nghiệp trong nước cũng như trong việc thực hiện đầy đủ các chính sách pháp luật, đồng thời vai trò của các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp được nâng cao.
Nhưng trong thực tế, để tổ chức công đoàn có trách nhiệm pháp lý cũng như có quyền và nghĩa vụ khởi kiện ra Tòa án nhân dân đối với các hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội của chủ doanh nghiệp sử dụng lao động có thể nói không phải là chuyện giản đơn, vì cần phải nhìn nhận rằng, hoạt động của tổ chức công đoàn trong một số doanh nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, ngại đụng chạm hoặc không dám lên tiếng khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc chậm đóng, cố tình nợ đọng BHXH kéo dài, gây thiệt hại về quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều tổ chức công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, bán chuyên trách hoặc chuyên trách trong các doanh nghiệp vẫn phải “phụ thuộc” vào người sử dụng lao động trong doanh nghiệp trong việc chi trả lương hàng tháng. Do vậy, việc tổ chức công đoàn chưa thật sự chủ động hoặc quyết liệt hơn trong giám sát hoặc can thiệp kịp thời hoặc khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động trong doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, để tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện cũng như vai trò giám sát, khởi kiện ra Tòa án nhân dân về hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì ngoài việc cần thiết phải xem xét, sửa đổi, bổ sung những quy định về chế độ hoạt động cũng như chế độ chi trả tiền lương của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, cán bộ của tổ chức công đoàn còn cần phải nâng cao sự hiểu biết về những quy định của luật pháp, trong đó cần kiên quyết hơn nữa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Từ đó, những quy định của pháp luật nói chung và quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới đây có hiệu lực thi hành sẽ dễ dàng đi vào thực tế của cuộc sống.
NGUYỄN ĐƯỚC