
Trong hơn một năm qua, cảnh sát giao thông đã phạt bấm lỗ giấy phép lái xe từ 1 đến 3 lần tổng cộng trên 223.000 trường hợp, trong đó có khoảng 60.500 trường hợp bị tước giấy phép lái xe, tức bị bấm lỗ đến lần thứ ba. Lỗi vi phạm dẫn đến bị bấm lỗ giấy phép lái xe thời gian qua chủ yếu là do chạy quá tốc độ quy định từ 20% trở lên.

Ông Phạm Minh Tuấn
Ông Phạm Minh Tuấn, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã cho rằng, dùng biện pháp mạnh: bấm lỗ giấy phép lái xe trong các tình huống vi phạm tốc độ như thế là cần thiết, bởi vì trên thực tế có đến 30% số vụ tai nạn giao thông xảy ra bắt nguồn từ việc các lái xe đã chạy quá tốc độ cho phép.
Và việc bấm lỗ giấy phép lái xe luôn căn cứ vào biên bản vi phạm trên đường. Biên bản được lập bởi lực lượng công tác có sử dụng các phương tiện đo tốc độ chuyên dùng, hiện đại và chính xác chứ không bằng cảm quan chủ quan của chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Chưa kể là quy trình bấm lỗ chỉ được thực hiện tại văn phòng, được người chỉ huy ký quyết định xử phạt chứ không phải do cán bộ chiến sĩ tuần tra trên đường tự thực hiện việc bấm lỗ.
Người vi phạm có thể đến trụ sở cơ quan cảnh sát giao thông nơi xử lý vi phạm để khiếu nại nếu thấy việc xử lý chưa thỏa đáng. Việc khiếu nại có thể bằng cách xin gặp chỉ huy từ cấp đội, trạm trở lên để trao đổi trực tiếp, hoặc có thể viết thành văn bản gửi trực tiếp đến người chỉ huy hay lãnh đạo cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố.
Người vi phạm cũng có thể khiếu nại về Cục Cảnh sát giao thông đường bộ theo địa chỉ 258 Nguyễn Trãi - Q1 (đối với khu vực phía Nam) và 112 Lê Duẩn - Hà Nội (đối với khu vực phía Bắc), nhưng phải khiếu nại ở cấp Phòng Cảnh sát giao thông ở các tỉnh, thành phố trước.
Ông Tuấn cũng cho rằng, việc cắm biển báo hạn chế tốc độ trước đây còn nhiều khiếm khuyết, nhưng hiện nay trên các tuyến liên tỉnh phía Nam đã cơ bản phù hợp.
Thiện Nhân thực hiện