Cỏ xanh, sữa trắng - Dấu ấn Hà Lan

Không phải ngẫu nhiên, nhiều cửa hàng lưu niệm ở TP Amsterdam (Hà Lan) đều bày bán hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách có các sản phẩm là những con bò sữa bằng gốm sứ được vẽ đẹp mắt, với nhiều kiểu dáng và công dụng khác nhau (trang trí, đồ gạt tàn thuốc…). Có thể nói, hình ảnh con bò sữa gắn liền với người dân Hà Lan từ bao đời nay y như sự thân thuộc của nông dân Việt Nam với con trâu nhà.
Cỏ xanh, sữa trắng - Dấu ấn Hà Lan

Không phải ngẫu nhiên, nhiều cửa hàng lưu niệm ở TP Amsterdam (Hà Lan) đều bày bán hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách có các sản phẩm là những con bò sữa bằng gốm sứ được vẽ đẹp mắt, với nhiều kiểu dáng và công dụng khác nhau (trang trí, đồ gạt tàn thuốc…). Có thể nói, hình ảnh con bò sữa gắn liền với người dân Hà Lan từ bao đời nay y như sự thân thuộc của nông dân Việt Nam với con trâu nhà.

  • 1/6 thị phần thế giới

Cảm giác đầu tiên khi đoàn nhà báo Việt Nam từ TP Amsterdam ngược lên hướng Đông Bắc, đến TP Leeuwarden (thủ phủ của tỉnh Friesland) là khung cảnh nông thôn như chúng ta ngồi xe về vùng đồng bằng sông Cửu Long, 2 bên đường là ruộng lúa, ruộng lúa và ruộng lúa. Cái khác của Hà Lan là đồng cỏ, đồng cỏ và đồng cỏ. Điểm xuyết trên màu xanh của cỏ còn có những chiếc cối xay gió đặc trưng của đất nước Hà Lan, minh chứng hào hùng về lịch sử tiêu úng trong quá trình chống ngập, mặn với 1/3 diện tích cả nước bị đe dọa thường xuyên.
 
Và tất nhiên không thể thiếu những chú bò sữa đốm trắng, đen hoặc nâu trắng nhởn nhơ đang ăn cỏ hoặc nằm nghỉ. Các đồng cỏ cao lấp xấp khoảng 20cm với các loại cỏ hỗn hợp mang lại dinh dưỡng cao giúp bò cho nhiều sữa. Các trang trại còn cắt cỏ và ủ cho mùa đông, thức ăn quan trọng không thể thiếu với loài động vật nhai lại. Việc trồng cỏ nuôi bò sữa ở Hà Lan đang tiến một bước dài, đồng cỏ sạch đúng nghĩa, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng cỏ và đàn bò, hình ảnh quen thuộc ở Hà Lan. Ảnh: Đ.C.P.

Đồng cỏ và đàn bò, hình ảnh quen thuộc ở Hà Lan.     Ảnh: Đ.C.P.

Ở Hà Lan, chăn nuôi rất quan trọng trong ngành nông nghiệp. Điều đó giải thích vì sao, diện tích đồng cỏ (trên 1 triệu ha) lớn hơn diện tích đất canh tác khác (khoảng 910.000ha). Xét về mặt cơ cấu, đất trồng cỏ chiếm tỷ lệ 51,4%, sau đó mới đến cây nông nghiệp khác 41,3%, rau-hoa-cây cảnh chiếm 5,7%. Tất nhiên, trồng cỏ để phục vụ nuôi bò lấy sữa. Tập đoàn Royal FrieslandCampina của đất nước này đứng thứ 3 thế giới về chế biến thực phẩm, sau Nestlé (Thụy Sĩ) và Danone (Pháp), nhưng riêng lĩnh vực chế biến sản phẩm từ sữa bò lại đứng đầu thế giới. Hơn 1/2 sản lượng sữa dùng để sản xuất pho-mát, phần còn lại sản xuất các sản phẩm khác như bơ, sữa bột... Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa hàng năm của Hà Lan khoảng 2,5 tỷ EUR, chiếm tới 1/6 thị phần thế giới.

  • Thôn tính, liên kết và sáp nhập

Theo ông Kapil Garg, Tổng Giám đốc phụ trách hải ngoại Royal FrieslandCampina, nông dân Hà Lan có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa lâu đời nhất và chuyên nghiệp nhất thế giới. Năng suất sữa bò bình quân ở Hà Lan tăng dần, từ 4.332kg/con/chu kỳ (năm 1970) lên 6.890 kg/con/chu kỳ (năm 1985), hiện nay khoảng 8.000kg/con/chu kỳ. Chu trình sản xuất sữa bò kéo dài, cần nhiều lao động và trình độ quản lý cao, đòi hỏi hệ thống dịch vụ đồng bộ (từ những năm 1740 đã có 50 nhà buôn cỏ khô làm thức ăn cho đàn bò sữa 7.000 con), nên rất cần tinh thần hợp tác cộng đồng trong nông dân.

Năm 1871, 9 nông hộ nuôi bò nghĩ rằng sẽ lợi hơn nếu liên kết lại và cùng đầu tư vào xưởng sản xuất pho-mát ở Dutch Weiringerwaard. Năm 1880, các hộ nuôi bò lập ra hợp tác xã nuôi bò sữa đầu tiên. Nhiều HTX nhỏ hợp lại tạo ra HTX lớn hơn. Đây là những HTX có lịch sử lâu đời nhất ở Hà Lan và châu Âu. Năm 1919 các HTX này đã có nhà máy chế biến, xuất khẩu sản phẩm sữa với thương hiệu được đăng ký trên thị trường.

Từ đó đến nay, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến những sản phẩm từ sữa bò có nhiều cột mốc trong quá trình phát triển, thôn tính, liên kết, sáp nhập diễn ra liên tục, giờ đây hình thành Tập đoàn FrieslandCampina với hàng chục nhãn hiệu sản phẩm từ sữa có mặt khắp thế giới. Ông Kapil Garg cho biết, chủ nhân đích thực của Tập đoàn Royal FrieslandCampina là 100% nông dân, trong đó 80% người nuôi bò sữa từ các HTX ở Hà Lan và một phần ở Đức, Bỉ với 21.000 nông dân là thành viên sở hữu.

  • Bò được gãi ngứa, nghe nhạc...

Để hỗ trợ nuôi bò sữa hiệu quả, Trại Nghiên cứu sản xuất sữa Nij Bosma Zathe (Bosumerdyk 11,9084AA Goutum) thuộc Đại học Wageningen có nhiệm vụ nghiên cứu và khảo sát các vấn đề do FrieslandCampina đặt ra. Trại rộng 100 ha và 184 con bò sữa được chăm sóc đến… tận lưng. Chuồng được trang bị các nệm cao su cho bò nằm nghỉ, ăn cỏ tươi xanh, thức ăn tinh được phối trộn theo công thức đã được nghiên cứu cho từng lứa và nhóm bò. Robot sẵn sàng vắt sữa theo “nhu cầu” của bò (2 lần/ngày), không nhất thiết đúng giờ, giúp bò “cảm nhận” thoải mái nhất. Robot còn có nhiệm vụ… gãi ngứa cho bò khi bò nghe nhạc giao hưởng.

Tập trẻ em làm quen với đàn bò sữa để yêu công việc trang trại.

Tập trẻ em làm quen với đàn bò sữa để yêu công việc trang trại.

 
Trang trại của gia đình ông Gosse Damstra (Tscaerddijk, Folsgare, thủ phủ Leeuwarden), 3 đời nuôi bò sữa, có gần 50 ha trồng cỏ và 110 con bò sữa. Năng suất khoảng 8.750 kg/con/chu kỳ. Theo ông Gosse Damstra, chất lượng cao và năng suất được cải thiện giúp trang trại phát triển và trang trại ông luôn đáp ứng 100% những yêu cầu khắt khe của công ty dù kiểm tra đột xuất hay định kỳ. Mỗi con bò sinh ra đều có mã số theo dõi tất cả các chỉ số liên quan đến tình trạng sức khỏe, sản lượng và chất lượng sữa. Người nuôi bò sữa Hà Lan không quá lo lắng về chi phí thức ăn, giá mua sữa… Với chi phí 1 kg sữa 25cent, bán cho nhà máy 33cent, lượng sữa trang trại ông Damstra hàng năm cung cấp khoảng 700.000kg nên thu nhập không dưới 50.000 USD, chưa kể đến lợi nhuận được chia từ công ty.
  • Hỗ trợ nông dân TPHCM, Bình Dương

Vấn đề đặt ra, làm sao kiểm tra chất lượng sữa từ 21.000 trang trại thành viên, cung cấp mỗi năm khoảng 10 tỷ kg sữa/năm, đem đến sự an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Kapil Garg, để giám sát lượng sữa này, công ty áp dụng chương trình quản lý chất lượng Foqus với quy trình và các yêu cầu khắt khe nhằm kiểm soát chặt chuỗi sản xuất từ đồng cỏ đến ly sữa.

Mỗi ngày, sau khi vắt sữa (bằng máy hoặc robot), bên cạnh sữa được đưa đến nhà máy, chủ trang trại còn gửi mẫu đến kiểm định tại phòng nghiên cứu và xét nghiệm khu vực, như Phòng Xét nghiệm khu vực Nijland (Leeuwarden) phục vụ 500 nông trại thành viên của HTX với 35.000 con bò sữa. Ngoài việc xét nghiệm các chỉ tiêu thông thường như protein, lactose, chất béo, vi sinh…, phòng xét nghiệm còn giúp chủ trang trại theo dõi lý lịch từng con bò. Các trang trại thành viên chỉ được phép mua thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng của các công ty đã được  Royal FrieslandCampina kiểm định và tuân thủ quy định chăn thả, trong đó dành cho bò thời gian “vui chơi” 6 giờ mỗi ngày và 120 ngày/năm…
 
Ông Jan Bles, Tổng Giám đốc FrieslandCampina Việt Nam, cho biết, 25% nguyên liệu chế biến của FrieslandCampina tại Việt Nam từ người nuôi bò sữa cũng được áp dụng theo hệ thống quy trình này. Người nuôi bò sữa giỏi Hà Lan đã đến Việt Nam hướng dẫn lại kinh nghiệm cho người nuôi ở Bình Dương, ngoại thành TPHCM… Sắp tới sẽ hỗ trợ thành lập HTX hay tổ liên kết bò sữa cho bà con từ những kinh nghiệm của Hà Lan.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục