Câu chuyện thể thao

CỌ XÁT CÓ GIÁ CỦA CỌ XÁT !

Vừa qua, làng thể thao dưới nước đã tưng bừng với giải vô địch thế giới diễn ra tại Melbourne (Australia), và môn bơi được quan tâm hàng đầu với sự hiện diện của tất cả các anh tài lừng danh trên toàn cầu. Bơi lội Việt Nam cũng góp mặt với 4 tay bơi nữ Phan Thị Hạnh, Phạm Thị Huệ, Trần Thị Thuận, Hoàng Thị Cúc.

CỌ XÁT CÓ GIÁ CỦA CỌ XÁT ! ảnh 1

Dù không có hy vọng ở các giải đấu lớn trên thế giới, nhưng việc tuyển chọn các tuyển thủ bơi lội đi thi đấu cọ xát cũng cần phải nghiêm túc.

Ai cũng biết, bơi lội Việt Nam hoàn toàn không có “cửa” tại giải thế giới. Vì thế, câu nói quen thuộc được các lãnh đạo bộ môn đưa ra cho lý do góp mặt của các tay bơi nước ta là để cọ xát và học hỏi. Đồng thời, ông HLV trưởng còn cho biết là để điều nghiên thực lực của các nước trong khu vực nhằm chuẩn bị cho SEA Games 24 vào tháng 12 tới. Tất cả đều là những lý do rất hợp lý.

Tuy nhiên, sự cọ xát và học hỏi của 4 tay bơi ấy thể hiện những thành tích cực kỳ tệ hại. Trong cự ly 50, 100, 200m của những nội dung ngửa, ếch, bướm - những kình ngư đại diện cho làng bơi Việt Nam đã “lội” với thông số thành tích sút kém đến kinh ngạc khi tụt từ 2 đến hơn 10 giây so với thành tích của họ cách đây 6 tháng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 5-2006, chứ chưa dám so với KLQG. Thế mà về nước, HLV trưởng Đỗ Trọng Thịnh đã “hân hoan” trên một tờ báo ngành rằng SEA Games 24 sắp tới, bơi lội Việt Nam ngoài hy vọng ở 100m ếch nam (Việt Nam đã đoạt HCV) thì còn hy vọng ở các nội dung ếch và bướm nữ (!)

Không hiểu ông HLV kiêm Trưởng bộ môn bơi lội UBTDTT có lạc quan tếu hay không? Chứ nhìn vào bảng thông số thành tích mà 4 học trò ruột của ông thể hiện tại giải đấu vừa qua, giới chuyên môn của làng bơi nước nhà không khỏi… hết hồn và âu lo về Đại hội thể thao Đông Nam Á sắp tới.

Những ngày qua, nhiều HLV lẫn phụ huynh bơi lội đã điện cho chúng tôi bày tỏ sự lo lắng và bức xúc, bởi trong đội tuyển bơi lội quốc gia hiện đang có nhiều biểu hiện “sủng ái” thái quá một số gương mặt, dù các VĐV này những năm qua có thành tích sút kém nhưng vẫn luôn có mặt trong đội tuyển, đồng thời luôn thuộc diện “ưu tiên 1” trong việc đi “học hỏi, cọ xát” tại các giải quốc tế lớn. Đơn cử như giải vô địch thế giới vừa qua, 4 tay bơi nữ góp mặt ấy đều không là những kình ngư số 1 ở các nội dung họ tranh tài, dẫn đến thành tích tệ hại âu là lẽ đương nhiên. Họ nói thẳng: “Đi thi đấu cho dù là cọ xát, học hỏi thì cũng phải tốn tiền của dân, của nước chứ đâu phải đi không. Cọ xát cũng phải có giá của cọ xát. Vì vậy, tuyển chọn VĐV đi thi đấu quốc tế phải sao cho đàng hoàng chứ đừng làm mất mặt làng bơi nước nhà như thế”.

Chuyện này có lẽ không chỉ riêng môn bơi, mà rất nhiều bộ môn thể thao đang dựa vào tiêu chí “cọ xát” để có những chuyến “du lịch” không mất mà còn được tiền này.
Cọ xát phải có giá của cọ xát, quả chí lý!

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục