Giao chữ ký số cho dịch vụ hải quan
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng ghi nhận đang nổi lên tình trạng một số đơn vị làm dịch vụ hải quan (do doanh nghiệp thuê làm) lợi dụng uy tín của đối tác, dùng chữ kỹ số của doanh nghiệp (DN) tin tưởng trao gửi để buôn lậu hàng hóa trị giá lớn, lên tới nhiều tỷ đồng. Đây cũng là thực trạng đáng báo động cho các DN trong việc giữ gìn, bảo vệ chữ ký số của mình.
Bỗng dưng bị… lưu sổ đen
Thống kê sơ bộ đến ngày 21-9-2016 của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, TPHCM có khoảng 250 DN làm đại lý thủ tục hải quan được Tổng cục Hải quan cấp phép. Thế nhưng, số DN có nhu cầu tìm đến ký hợp đồng với các đại lý này chưa nhiều, ước tính chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn DN thường sử dụng các đơn vị dịch vụ nhỏ lẻ kê khai thuê hải quan là chính. Tuy nhiên, từ đó dẫn tới phát sinh nhiều rủi ro mà DN khó lường trước. Ví dụ, có DN sau khi hoàn thành các thủ tục để thông quan, bị lực lượng chức năng chặn lại kiểm tra thực tế hàng hóa, dù hàng hóa DN này thường được phân luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế), mới “tá hỏa” khi biết mình bị dính tội… buôn lậu.
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Ảnh: GIA HÂN
Vậy đâu là nguyên nhân? Có thể dẫn chứng hàng loạt vụ điển hình. Vụ Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA (100% vốn nước ngoài, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, Bình Dương) bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng bằng cách sử dụng chữ ký điện tử khống để tuồn hàng điện tử thuộc diện cấm nhập vào Việt Nam. Lô hàng bị bắt giữ vào tháng 8-2016 sau khi hàng được thông quan. Hay một vụ việc khác đình đám không kém là vụ Công ty MB Việt Nam (thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Công ty mở tờ khai hải quan vào ngày 7-6-2016 tại Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư TPHCM, với khai báo là nguyên phụ liệu may mặc. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế, lô hàng lại là đồ điện gia dụng, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm… trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Theo ông Võ Văn Bông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty MB, lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng chữ ký số, con dấu chi nhánh công ty ở TPHCM để buôn lậu. Khi làm việc với cơ quan chức năng, tổng giám đốc công ty này khẳng định không biết việc nhập khẩu hàng hóa nói trên, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh, làm rõ, trả lại uy tín cho DN. Ngoài ra, phóng viên cũng được thông tin, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư vừa phối hợp với Công an TPHCM phát hiện, tạm giữ lô hàng nhập lậu hàng trăm máy điều hòa không khí. Qua điều tra, lực lượng chuyên trách ghi nhận nhân viên dịch vụ khai báo hải quan đã sử dụng chữ ký số của DN uy tín để đứng tên tờ khai nhập khẩu; đồng thời đối tượng vi phạm còn giả mạo cả đại lý hải quan để khai báo…
Chữ ký số là mạng sống
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng không thể phủ nhận việc chữ ký số đem lại nhiều lợi ích cho DN như tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giao kết hợp đồng... Tuy vậy, nếu quản lý chữ ký số lỏng lẻo thì hậu quả thực khó lường. Ngoài các vụ vi phạm do nhân viên dịch vụ khai báo hải quan gây ra, còn có cả trường hợp bị chính người trong DN lợi dụng sơ hở quản lý chữ ký số để sử dụng bất hợp pháp vì mục đích tư lợi.
Cán bộ Chi cục Hải quan TPHCM tư vấn thông tin cho đại diện doanh nghiệp. Ảnh: GIA HÂN
“Luật Giao dịch điện tử 2005 đã ban hành những điều luật quy định về việc tạo lập, quản lý, sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử. Theo đó, hành vi của các đơn vị dịch vụ hải quan dùng chữ ký (của các DN là khách hàng đặt dịch vụ) để buôn lậu, là hành vi “sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác”, thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, được quy định tại khoản 6 Điều 9 và Điều 50 của Luật Giao dịch điện tử. Hành vi sử dụng trái phép chữ ký số sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 30 triệu - 50 triệu đồng. Cá nhân thuộc các đơn vị dịch vụ hải quan sử dụng trái phép chữ ký số của các DN uy tín để buôn lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như tội buôn lậu”, luật sư Nguyễn Văn Hậu dẫn chứng.
Trao đổi với Báo SGGP, ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nhận định việc mạo danh DN uy tín, trong đó có DN đầu tư nước ngoài để buôn lậu đang âm thầm diễn ra. Hiện các vụ việc này đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra nên chưa thể thông tin cụ thể. Tuy vậy, ông Hùng nhận định rằng, đây là loại tội phạm công nghệ cao, biết nhiều sơ hở của pháp luật để tìm cách gian lận. Ông Phạm Quốc Hùng khuyến cáo, trước tình hình mạo danh DN uy tín để trục lợi bằng chữ ký số, DN nên chủ động bảo vệ mình bằng nhiều hình thức. Thông thường, ứng với một tài khoản khai báo sẽ có thông tin chữ ký số kèm theo, được dùng ký vào tờ khai điện tử trước khi gửi vào hệ thống cơ quan hải quan. DN nên thay đổi thường xuyên mật khẩu tài khoản, mật khẩu thiết bị số…; phải quản lý thật chặt mật khẩu, tránh để nhân viên DN hoặc nhân viên dịch vụ khai thuê hải quan lợi dụng; nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng (hải quan, công an…) nếu nghi ngờ chữ ký số của DN bị lợi dụng.
THI HỒNG